Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 20:17:17

Trước đó, trong năm 2020-2021, hàng loạt ngân hàng cũng đã lên sàn, chuyển sàn chứng khoán, góp phần giúp giá cổ phiếu tăng trưởng vượt bậc.


Hiện có 27 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó 17 mã niêm yết trên HoSE, 2 mã niêm yết trên HNX và 8 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM.


Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, nhiều ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM đã bàn về kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tại ABBank, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã trình trình cổ đông xem xét việc niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) và được thông qua. Đồng thời, cổ đông sẽ uỷ quyền và giao HĐQT quyết định, thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB (chuyển từ sàn UpCOM); Thực hiện các hồ sơ thủ tục cần thiết để thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB; Quyết định các vấn đề khác phát sinh liên quan để triển khai thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB. Hội đồng Quản trị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc theo uỷ quyền nêu trên (nếu phát sinh) cho Đại hội đồng Cổ đông tại phiên họp gần nhất.

Tương tự tại Kienlongbank, theo thông tin tại đại hội cổ đông, trong năm 2022, HĐQT cũng cho biết sẽ triển khai các thủ tục để niêm yết cổ phiếu KLB trên sàn giao dịch chứng khoán theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ, nâng cao vị thế của KienlongBank trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, tiếp cận với các chuẩn mực về quản trị công ty dành cho doanh nghiệp niêm yết. Được biết, cổ phiếu KLB giao dịch trên UPCoM từ ngày 29/6/2017 đến nay.

ĐHĐCĐ NamABank hôm 29/4 cũng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HoSE/HNX. ĐHĐCĐ giao HĐQT quyết định sàn giao dịch và tổ chức thực hiện, quyết định về giá niêm yết, thời điểm niêm yết.

Trên thực tế, kế hoạch nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE đã được NamABank đưa ra trong 2 năm nay. Ngày 9/10/2020, cổ phiếu của NamABank chính thức giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán NAB. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, HoSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của NamABank. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.

Trước đó, trong năm 2020-2021, hàng loạt ngân hàng đã lên sàn/chuyển sàn chứng khoán. Trong đó, các ngân hàng chuyển sàn như ACB và SHB chuyển từ HNX sang HoSE, LPB và VIB chuyển từ UPCoM lên HoSE.

Làn sóng lên sàn, chuyển sàn giai đoạn này đã góp phần giúp giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng trưởng vượt bậc. Các chuyên gia chứng khoán cho biết, việc niêm yết trên HoSE có thể mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, trong đó cơ hội tăng vốn là yếu tố nổi bật nhất. Việc chuyển sàn được đánh giá sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các ngân hàng trong việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ khi mà cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn đang rất nóng nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III.

Việc chuyển sàn còn có ý nghĩa khẳng định thương hiệu, tăng tính minh bạch của doanh nghiệp. Niêm yết trên HoSE cũng tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn, đem lại lợi ích cho các cổ đông tốt hơn. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng các cổ phiếu sẽ được định giá lại.

Nhu cầu hối thúc chuyển sàn một phần có thể do áp lực cạnh tranh. Trong năm 2020-2021, nhiều ngân hàng không đăng ký giao dịch trên UPCoM mà niêm yết thẳng lên HoSE như MSB, OCB, SSB của SeABank.

Chia sẻ Facebook