Nhiều ngân hàng lãi lớn trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ
MB, TPBank, SeABank, Eximbank, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận 6 tháng tăng hàng chục, hàng trăm % so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngân hàng mới đây đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
SeABank cho biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 115% kế hoạch nửa đầu năm năm 2022.
Tại MB, lãnh đạo ngân hàng cho biết doanh thu toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 29,9 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận 11.920 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng doanh thu đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng; các công ty thành viên đạt doanh thu gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 13% lợi nhuận toàn tập đoàn.
Trước đó, TPBank cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt trội. Sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6/2022 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Eximbank ước tính, ngân hàng đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của ngân hàng này tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tuy chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng cập nhật đến hết tháng 5/2022, lãnh đạo Vietcombank cho biết tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đã đạt mức 30% và dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Theo giới chuyên môn, ngân hàng vẫn ''kiếm đậm'' trong 2 quý vừa qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 30/6 đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước (6,9%).
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, hết tháng 4, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức "đáng kinh ngạc" - trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ''cơn khát sau trận hạn hán'' nên tăng lên rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.
Chia sẻ với giới phân tích và nhà đầu tư, ban lãnh đạo MB cũng tỏ ra rất lạc quan về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trong năm 2022. Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết MB được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% nhưng đến cuối tháng 3 đã tăng trưởng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trước đó, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25% trong năm 2021.
Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu như VPBank, ACB, Vietinbank và Sacombank.
Riêng trong quý II/2022, Công ty Chứng khoán Yuanta dự báo, lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ của 27 ngân hàng niêm yết có khả năng tăng tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Yuanta ước tính thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng quý II/2022 sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 (mức tăng thấp hơn quý I/2022 do trong quý vừa qua hầu hết các ngân hàng đều đã cạn room tín dụng). Thêm vào đó, thu nhập phí quý II/2022 ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, doanh thu bancassurance có thể thấp do hoạt động cho vay kém sôi động. Ngoài ra, chi phí hoạt động ước tăng khoảng 15%.
Dù vậy, lợi nhuận kỳ vọng giảm so với quý I chủ yếu là do nền so sánh khá cao khi quý trước có đóng góp từ những khoản thu nhập ngoài lãi bất thường, đáng chú ý là khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền trị giá khoảng hơn 5.000 tỷ đồng của VPBank. Ngoài ra, tín dụng chỉ tăng trưởng nhẹ so với quý trước cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành ngân hàng quý II.
Trong khi đó, Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2022 được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây cho thấy, các TCTD đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2022 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I/2022
Trong quý II/2022, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý trước. Theo các TCTD, trong số các nhân tố khách quan, "Sự cạnh tranh từ các TCTD khác" tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng làm "suy giảm" tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2022 và dự kiến cả năm 2022, trong khi đó, "Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị" cùng với "Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng" được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp "cải thiện" tình hình kinh doanh của TCTD.