Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất cơ sở, người vay mua nhà như “ngồi trên đống lửa”
Lãi suất tăng lên khiến nhiều người đã và đang có nhu cầu mua nhà phải cân nhắc lại kế hoạch và tính toán lại việc sử dụng đòn bẩy tài chính thời điểm này.
Năm 2020-2021, lãi suất ngân hàng xuống mức thấp đã thúc đẩy nhiều người vay mua nhà với chi phí rẻ. Tuy nhiên, sau 2 năm, khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch và xuất hiện nhiều biến động kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đã khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh trở lại. Đây cũng là thời điểm mà nhiều khoản vay mua nhà sắp hết thời gian ưu đãi và sẽ trả lãi theo lãi suất thả nổi. Bởi vậy, những người đã vay mua nhà cách đây 1-2 năm bắt đầu “ngồi trên đống lửa”.
Cụ thể, hầu hết ngân hàng hiện nay không áp dụng lãi suất cố định cho toàn bộ thời hạn vay mua nhà trả góp mà chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với lãi suất ưu đãi cố định, thường chỉ trong 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Giai đoạn 2, sau khi ưu đãi lãi suất kết thúc, phần lớn ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi.
Lãi suất thả nổi thường bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng/13 tháng + biên độ lãi suất (khoảng 3-5%/năm). Hoặc lãi suất thả nổi bằng lãi suất cơ sở do ngân hàng công bố theo từng thời kỳ + biên độ lãi suất.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng một loạt lãi suất điều hành từ 23/9, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm 0,5-1,5%/năm. Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường đã được đẩy lên trên 8%/năm, trở về với mặt bằng trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Lãi suất tại các ngân hàng lớn như Techcombank, VPBank, MB,…cũng đã lên vùng 7,5%/năm.
Bên cạnh điều chỉnh lãi suất huy động, một số ngân hàng cũng đã thay đổi lãi suất cơ sở thời gian gần đây. Tại ACB, ngân hàng đã áp dụng lãi suất cơ sở mới từ ngày 29/9 là 7,5%/năm. TPBank ngày 27/9 cũng điều chỉnh biểu lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân, trong đó, lãi suất cơ sở kỳ kỳ hạn 1 tháng là 8%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 8,9%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 9%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 9,5%/năm.
Tại Techcombank, ngân hàng cho biết, các khoản vay giải ngân từ 15/9 áp dụng lãi suất cơ sở mới. Trong đó, đối với vay mua bất động sản, lãi suất cơ sở chuẩn ở mức 7,5%/năm, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn.
Trên thực tế, không chỉ lãi suất thả nổi mà lãi suất ưu đãi cố định cho các khoản vay được giải ngân những tháng gần đây cũng đã tăng mạnh, hiện phổ biến 4,99-10%/năm. Mức 4,99%/năm đang được áp dụng tại MSB nhưng chỉ dành cho 3 tháng đầu tiên kèm điều kiện khoản vay có thời hạn trên 24 tháng.
Tại Shinhan Bank, lãi suất giai đoạn ưu đãi đã tăng lên 8,2%/năm (cố định năm đầu tiên), 8,9%/năm (cố định 3 năm đầu), 9,5%/năm (cố định 5 năm đầu). Các mức lãi suất này đã tăng khoảng 2% so với cách đây 1 năm.
Anh Hải (31 tuổi, Hà Nội) cho biết, hiện gia đình gồm vợ chồng và con nhỏ đang thuê căn hộ 2 phòng ngủ với chi phí khoảng 9 triệu đồng/tháng. Với khoản tiết kiệm được khoảng 700 triệu đồng, anh đang tính mượn thêm người thân và vay ngân hàng để mua một căn hộ với giá trên 2 tỷ đồng. “Lãi suất cố định những năm đầu tiên vẫn nằm trong khả năng của chúng tôi, nhưng với tình hình lãi suất có thể còn tăng nữa thì sau thời gian ưu đãi, chưa biết có đủ tiền để trả nợ hay không”. Trong khi đó, nếu cứ tiếp tục ở thuê và gửi tiết kiệm với lãi suất 7,5%/năm cũng không hẳn là phương án tốt, bởi giá nhà vẫn tăng lên hàng năm,
Thậm chí có không ít người đã vay mua nhà cách đây 2 -3 năm nhưng tình hình tài chính kém khả quan cũng đang phải tính đến việc có nên bán nhà để giảm áp lực nợ nần.
Các chuyên gia cho biết, các ngân hàng đang phải tìm cách huy động vốn để giảm áp lực thanh khoản do tiền gửi khách hàng tăng rất chậm lại kể từ quý 2. Bởi vậy, ngay sau khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, hàng loạt nhà băng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm. Và cuộc đua lãi suất huy động có thể vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục là xu hướng trong 2023. Do đó, lãi suất cho vay tăng lên là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ vận động các ngân hàng cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Mặc dù tăng một loạt lãi suất điều hành, cơ quan quản lý vẫn giữ nguyên trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.