'Nhiều nạn nhân không biết mình đang chịu bạo lực học đường'

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:07:55

Một nữ sinh tại thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế bị bạn học cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu. Sự việc khiến nạn nhân bị chấn động não, sợ hãi không dám đến trường.

Mới đây, ông Lê Thân - Hiệu trưởng trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, nhà trường đang phối hợp với công an địa phương làm rõ sự việc nữ sinh L.T.Y.Nh. (SN 2006, học sinh lớp 10) bị bạn cùng trường đánh đến nhập viện.

Theo đó, ngày 6/3, em Nh. nhận được tin nhắn của bạn cùng trường là Tr. (học sinh cùng khối lớp 10) hẹn gặp ở công viên Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) để nói chuyện. Khi Nh. đến công viên thì bất ngờ bị Tr. lao vào đánh tới tấp vào đầu bằng mũ bảo hiểm.

Đến trưa 7/3, trên đường đi học về, Nh. tiếp tục bị Tr. cùng đám bạn chặn đường rồi dùng mũ bảo hiểm đánh chảy máu ở đầu.

Bà Lê Thị X. - mẹ của Nh. (trú phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho hay, trưa 7/3, cháu về nhà với đầu đầy máu, cháu đi được một lúc rồi choáng và ngất. Cả nhà đưa cháu đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà. Sau đó, cháu được chuyển tuyến lên Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trong tình trạng chấn động não.

Nữ sinh bị đánh đến chấn động não.

Gần nửa tháng điều trị, em Nh. được Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho xuất viện. Tuy nhiên, tâm lý Nh. hiện luôn sợ sệt do sợ bạn đánh nên không muốn đến trường.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường là do sai lầm trong cách giáo dục của cha mẹ, thầy cô.

Gần đây, bạo lực học đường xảy ra liên tục khiến nhiều người có cái nhìn khác về hiệu quả của bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cũng như việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân của những vụ bạo lực học đường một phần do hiện nay cha mẹ quá bận rộn, không đủ kiên nhẫn để uốn nắn phân tích đúng sai cho con hiểu, họ chọn cách đánh mắng, áp đặt cho trẻ nhanh khuất phục, hoặc phó mặc giao con cho người khác nuôi dạy.

Hậu quả là đứa trẻ bị tổn thương một thời gian dài vì bị ảnh hưởng bởi cách hành xử bạo lực của cha mẹ. Vì thiếu tình yêu thương nên nhiều trẻ dễ hung hăng hơn.

Trẻ không biết yêu thương chính mình nên khó yêu thương người khác. Bên trong trẻ luôn mặc cảm, yếu đuối, mệt mỏi, chán chường,… vì vậy trẻ dễ có phản ứng tiêu cực ra ngoài.


Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì một trong những nguyên nhân khiến việc bạo lực học đường chưa thể chấm dứt là vì nhiều nạn nhân không nhận ra mình đang bị bạo lực học đường, chưa có kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, đặc biệt là các kỹ năng xử lý tình huống khi bị bạo lực học đường từ đó dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, trước hết chúng ta cần thấy rằng người tham gia đánh hội đồng và nạn nhân cùng là học sinh ở tuổi mới lớn thích thể hiện cái tôi cá nhân nên một lời nói vô tình cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Và cách các em thường chọn để giải quyết mâu thuẫn là đánh nhau mà không lường được hậu quả.

Do đó, để ngăn chặn bạo lực học đường thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Rất nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, thậm chí là đánh đập đã không dám nói thật với gia đình.

“Do đó, hơn ai hết bố mẹ cần làm bạn để đồng hành cùng con cũng như sẵn sàng lắng nghe tâm sự cũng như chia sẻ với con và cho con cảm giác rằng gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy. Có như vậy con mới sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của mình cho bố mẹ. Khi là bạn của con thì bố mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con trước bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng trong việc tăng cường tuyên truyền giúp học sinh nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường.

Ngoài ra, các giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh cũng cần được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ để nắm bắt tâm sinh lý của học sinh, biết cách trò chuyện, tư vấn cho các em.

Cùng với đó, bộ quy tắc ứng xử trong trường học được đưa xuống giới thiệu cho các cơ sở giáo dục là cần thiết, nhưng vấn đề là ở cơ sở lại triển khai chưa hiệu quả bộ quy tắc này.

Vì thế trong quá trình thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cần phải có đánh giá tổng kết cũng như rút kinh nghiệm. Xây dựng một mô hình thì dễ, nhưng triển khai thế nào ở cơ sở giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề phải bàn kỹ”, chuyên gia Hà Thái Hương nói.


Hoàng Thanh

Chia sẻ Facebook