'Nhiễu loạn' thi hoa hậu Việt: Chỉ đẹp thôi, chưa đủ!
Trước phản ứng của dư luận về tình trạng 'nhiễu loạn' hoa hậu hiện nay, bà Phạm Kim Dung, Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng, cho rằng nhiều người 'cứ thần thánh hoa hậu rồi thấy thất vọng'!
'Các người đẹp tham gia cuộc thi với hy vọng giành chiến thắng cao nhất. Sau đó, hoa hậu có làm được gì hay không còn phụ thuộc vào chính năng lực của họ' - bà Phạm Kim Dung nhìn nhận.
'Chỉ là nhân vật giải trí'
Theo Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng, hoa hậu cũng chỉ là nhân vật giải trí, thuộc nền công nghiệp giải trí mà thôi. Nhận định của bà Phạm Kim Dung được người trong cuộc cho là hợp lý.
Thực tế cho thấy từ nhiều năm nay, các đấu trường nhan sắc hầu như ít được các nước trên thế giới quan tâm. Những năm gần đây, nhiều nước phát triển, nhất là ở Tây Âu, không mấy mặn mà với các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Các cuộc thi hoa hậu ở những nước Tây Âu vẫn được tổ chức nhưng không còn rầm rộ như trước. Thậm chí, nhiều cuộc thi còn bị các phong trào nữ quyền lên án là xúc phạm phụ nữ do chỉ thể hiện được 'phần nổi' của chị em, biến họ thành những 'bình hoa di động'.
Do vậy, đã và đang có sự dịch chuyển các cuộc thi nhan sắc về các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Lý giải việc dịch chuyển này, nhiều người trong giới khẳng định: 'Khán giả nhiều nước châu Á vẫn còn coi trọng các cuộc thi người đẹp. Nhiều nơi cũng dựa vào việc đăng cai tổ chức các cuộc thi nhan sắc để thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương'.
Thực tế cho thấy với các nước đang hoặc mới phát triển, nhất là những quốc gia có thế mạnh về du lịch, việc tổ chức thi sắc đẹp hay cho phép thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế là một hình thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, con người cùng những đặc trưng văn hóa truyền thống. Do vậy, việc xem các hoa hậu là 'sứ giả văn hóa' cũng không có gì quá đáng. Vấn đề là hành trang của 'sứ giả' được chuẩn bị như thế nào.
Theo các chuyên gia xã hội học, thí sinh tham gia thi hoa hậu cần phải được trang bị và hội đủ nhiều yếu tố như: vóc dáng, tri thức, cách ứng xử, phong cách giao tiếp, ăn mặc, khả năng thích ứng với tình huống… Do vậy, nếu họ chỉ đẹp thôi thì không đủ.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại buổi họp báo cuộc thi Hoa hậu Thiên nhiên Việt Nam năm 2023. (Ảnh do BTC cung cấp)
Nhiều hệ lụy
Nhiều quy định về các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu đã được nới lỏng trong Nghị định 144/2020 NĐ-CP (quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn). Những tưởng sự 'thông thoáng' này sẽ giúp các cuộc thi hấp dẫn hơn, tích cực hơn nhưng lại mang đến nhiều hệ lụy.
Theo đó, Nghị định 144 không quy định thí sinh dự thi nhan sắc phải là nữ và có vẻ đẹp tự nhiên; không giới hạn các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Nghị định này cũng cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép...
Những quy định mới này rõ ràng là có sự cởi mở hơn đối với các cá nhân và tổ chức liên quan. Tuy nhiên, những quy định này cũng khiến nhiều người lo lắng và không ít băn khoăn. Thực tế, những điều chỉnh này vô hình trung đã tạo nên sự 'nhiễu loạn' ở các sân chơi nhan sắc mà dư luận rất bức xúc thời gian qua.
Sau đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế cũng như quảng bá du lịch địa phương trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều tỉnh, thành. Thế nhưng, việc hàng loạt địa phương cấp phép các cuộc thi nhan sắc vô tội vạ đã tạo nên sự 'bát nháo'như thời gian qua.
Nghị định 144 cũng nêu rõ: Đối với người đẹp, người mẫu sai phạm, cá nhân và đơn vị tổ chức cuộc thi có trách nhiệm thu hồi danh hiệu, giải thưởng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định là vậy nhưng các cuộc thi người đẹp, hoa hậu ngày càng tràn lan và xuất hiện nhiều sai phạm, trong khi việc xử lý, thu hồi danh hiệu vẫn chưa được thực hiện triệt để.
(còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-8