Nhiều học sinh, sinh viên "nước đến chân" vẫn chưa học bài

Chia sẻ Facebook
23/06/2023 17:10:50

Mùa thi ập tới, học sinh – sinh viên cuống cuồng ôn luyện để nhồi nhét kiến thức, mong trải qua kỳ thi một cách “xuôi chèo mát mái”, thế nhưng cách học theo kiểu “nước tới chân mới nhảy” này nhiều khi khiến nhiều bạn trẻ phải lao đao.


Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, đặc biệt là Cột Sống Gen Z ai cũng đã từng hơn 1 lần nếm trải cảm giác “nước sôi lửa bỏng” khi kỳ thi đến gần. Nếu không phải là thi đại học, tốt nghiệp thì sẽ là thi học kỳ, chuyển cấp. Và những “ý tưởng” ôn thi đại loại như: lên kế hoạch ôn tập, làm đề cương, học nhóm hay dậy sớm học bài thì có lẽ ai cũng từng thử qua rồi. Nhưng không bằng cách này thì cách khác, thực tế ôn thi luôn “một trời một vực” so với lúc chúng ta tưởng tượng. Thậm chí thầy cô giáo đã nhắc trước rằng tuần tới sẽ bắt đầu thi, nhưng không ít em vẫn ung dung với tư tưởng "nước đến chân mới nhảy", sát lúc thi học cũng không muộn.

Câu ví von “nước đến chân mới nhảy”, có lẽ chỉ dành cho thế hệ gen Y trước đây thôi. Còn gen Z giờ đây “nước có ngập đầu” thì vẫn có cách.

Nhiều bạn trẻ cố trì hoãn việc học. (Ảnh minh họa: Thanh Niên)


Sát "giờ G" mới vùi đầu vào sách vở

Mai thi mà tối nay mới đem sách vở ra học là chuyện chẳng có gì lạ lùng với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Nhiều bạn chờ tới sát ngày thi mới thức đêm thức hôm, cuống cuồng mượn sách vở photo tài liệu học theo kiểu đối phó, tình trạng thức trắng đêm để hôm sau đi thi luôn cũng không mấy xa lạ. Chẳng những ảnh hưởng đến sức khoẻ, tốn thời gian, mà cách ôn thi này còn không hề hiệu quả. Khi thời gian gấp gáp thì bạn cũng không thể hiểu cặn kẽ và đầy đủ các vấn đề.

A.D (học sinh lớp 12) chia sẻ bản thân có thói quen đợi đến sát ngày thi mới học, vì sợ học trước đến lúc thi lại quên mất. Khi nào gần thi học vẫn kịp, mà lúc đó A.D cảm thấy dễ vào hơn. Hơn nữa, đến sát ngày thi thì các thầy, cô thường khoanh vùng phạm vi ôn thi, có thể bớt đi một vài câu. Học trước, lại học vào đúng nội dung nằm ngoài phạm vi khoanh vùng thì có phải là mất công không! Nói chung, cứ sát ngày thi là D. lại thức liền mấy đêm để ôn; thậm chí mai thi thì tối D. sẽ thức trắng để ôn tập, sáng mai đi thi luôn và về nhà ngủ bù. Nhưng thường thì lịch thi các môn liền nhau, sáng thi một môn, chiều thi một môn, thế nên học như vậy quả thật là rất mệt mỏi.

Gần ngày thi mới vùi đầu vào học. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)


Không ít bạn lại bình tĩnh để an nhiên vượt qua kỳ thi với nhiều cách khác nhau, ví như ngủ cho bớt sợ hay chơi đùa trong hoang mang, phó mặc cho số phận, thậm chí còn lên mạng tìm sự trấn án bằng những câu hỏi ngờ nghệch nhờ sự tư vấn: “Còn một tuần nữa là em bước vào kỳ thi tốt nghiệp 2023, giờ em mới bắt đầu ôn thì có kịp không ạ?” … Đó là những bước chuẩn bị của nhiều gen Z khi có thông báo sắp đến kỳ thi.

Chẳng có lời nhắc nhở nào quá khắt khe từ giáo viên, không có được gánh nặng tâm lý từ phòng ôn thi cùng nhiều người. Giờ đây, các bạn đã đặt niềm tin trọn vẹn vào những thế lực tâm linh như cách hiệu quả để quyết định tương lai "nở hoa" hay sẽ "bế tắc".

Nhiều sĩ tử thắp hương, cầu may trước kỳ thi. (Ảnh minh họa: Lao Động)


Cụm từ "xin vía" được nhiều bạn trẻ vận dụng tối đa trong mùa thi bằng cách chia sẻ bảng điểm A+ hay những con điểm 10 khi đi thi như cách truyền may mắn đến những người thi sau. Nhưng thực tế cuộc sống thì luôn luôn phũ phàng, nếu không học mà yêu cầu điểm cao thì chỉ có nằm mơ mới có thể đạt được, tuy nhiên "có thờ có thiêng" nên các bạn trẻ, trong đó có độc giả của YAN vẫn tích cực chia sẻ đầy đủ trên trang cá nhân của mình.

Nhiều người ồ ạt "xin vía" để đạt kết quả cao. (Ảnh minh hoạ: Zingnews)


Hậu quả khôn lường của việc “nước tới chân mới nhảy”

Nếu đã từng “liều mình” sử dụng “phương pháp học” này, bạn có dám tự tin khẳng định rằng mình luôn hoàn toàn "bình an vô sự" đi qua kỳ thi? Có một thực tế phũ phàng rằng khả năng các bạn trẻ bị rơi vào tình cảnh: nước tới chân nhưng... nhảy không kịp là không hề hiếm! Bởi kiến thức trong đề thi thường có sự bao quát cả chương trình của kỳ học, mà thời gian ôn thi quá ngắn, khiến học sinh không thể “bơi” hết trong lượng kiến thức khổng lồ ấy. Tất nhiên khi đó, ngồi trong phòng thi chỉ biết “ngậm ngùi” tiếc nuối vì đề thi vào đúng phần mình không kịp học.

“Ngậm ngùi” tiếc nuối vì không chịu học sớm hơn. (Ảnh minh hoạ: Vietnamnet)


B.Lan (trường THPT Hoàng Long – Hà Nội) nói: “ Có lần thi học kỳ môn Văn, cả kỳ mình chỉ chăm lo cho mấy môn thi Đại học khối A nên không ngó ngàng gì tới Văn cả, đến khi thi học kỳ mình mới vội vàng ôn nhưng không kịp học hết cả chương trình. Rồi đề thi rơi vào đúng bài cuối cùng mà mình không kịp học. Bài thi lần đó mình được 5 điểm, thấp nhất lớp, thật là không biết giấu mặt đi đâu”.

Thất vọng vì bị điểm kém. (Ảnh minh hoạ: Tạp Chí Tâm Lý Học)

Bên cạnh đó, cách học phản khoa học này đem tới nhiều tác hại khác như ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, khi mà gần tới ngày thi, phải thức ngày thức đêm để “cày cuốc”, ăn uống không đúng bữa và không đúng chất, lạm dụng chất kích thích như cafe để giữ tỉnh táo... Thêm nữa còn là áp lực tâm lý cực kỳ nặng nề đối với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, cách học này còn không tích lũy được kiến thức một cách sâu rộng và bền vững nhất, bởi đây chỉ là cách học “nhồi nhét”, học đơn thuần chỉ để “đối phó” với kỳ thi, khi thi xong, nhiều bạn lại vô tình quên sạch những kiến thức mình đã hì hục ôn luyện trong mấy ngày.

Cách học phản khoa học ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. (Ảnh minh hoạ: Báo Sức Khoẻ Và Đời Sống)

Thực tế, bạn khó có thể loại bỏ hoàn toàn xu hướng trì hoãn. Dù vậy, bạn vẫn cần cố gắng cân nhắc lợi, hại của hành vi này để đảm bảo hiệu quả học tập.

Bên cạnh đó, tạo sự cân bằng giữa mong muốn cá nhân và lợi ích học tập mang lại giúp bạn học nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong tâm lý học tích cực, đây được xem là lựa chọn giúp tư duy phát triển, tập trung nhiều vào quá trình nhiều hơn là kết quả nhận về.

"Nước đến chân mới nhảy" không bao giờ là thượng sách. (Ảnh minh hoạ: VTC)

Ôn thi khi mà ngày thi đã cận kề không bao giờ là “thượng sách”. Cách tốt nhất để bạn đối mặt với kỳ thi trong tâm lý thoải mái và hứa hẹn đạt kết quả khả quan nhất là bạn nên ôn thi ngay khi học. Hãy dành thời gian nhất định trong ngày để ôn lại và nắm vững kiến thức đã học trên lớp. Khi kỳ thi tới, bạn hoàn toàn có thể tự tin với kiến thức của mình đã có mà không phải chịu tí tẹo áp lực hay sự mệt mỏi nào.

Suốt quãng đời học sinh, có lẽ cô cậu học trò nào cũng từng ít nhất một lần làm biếng, cố gắng trì hoãn việc học tập dù đã rất sát "deadline". Vẫn biết là "nước đến chân mới nhảy" thì việc tiếp thu kiến thức sẽ không đạt hiệu quả tốt, thế nhưng chỉ đến khi sát "giờ G", học sinh mới bắt đầu cảm thấy hoang mang và vội vàng vùi đầu vào sách vở.

Hiện tại, các sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng của thời cấp 3. Chính vì vậy, mọi người hãy cố gắng chuẩn bị thật tốt để nhận về kết quả tốt nhất. Để tự tin hơn khi đi thi thì tốt nhất chúng ta nên chuẩn bị một "cái đầu" đầy chữ thay vì cứ dựa dẫm vào sự may mắn các bạn nhé.


Cùng đọc thêm những tin tức khác TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook