Nhiều Gen Z chỉ thích mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu”
Thay vì thích sự rõ ràng, dứt khoát trong mối quan hệ như thế hệ trước, giới trẻ ngày nay lại thích sự mập mờ “trên tình bạn, dưới tình yêu” để bản thân không bị ràng buộc.
Nhiều người vẫn cho rằng hôn nhân là đích đến cuối cùng của tình yêu. Nhất là chị em phụ nữ khi yêu phải có một danh phận rõ ràng. Tuy nhiên, với giới trẻ ngày nay, không ít người lại thích sự mập mờ, nhất là kiểu quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu”. Liệu đó có phải xu hướng mới trong chuyện yêu đương, hẹn hò của giới trẻ ngày nay?
Mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu”
Có một thuật ngữ được sử dụng để chỉ mối quan hệ "trên tình bạn dưới tình yêu" chính là Situationship. Trong mối quan hệ này, cả hai có thể có tình cảm với nhau, họ đều ngầm hiểu điều đó nhưng không hề xác nhận. Các cặp đôi Situationship đều không muốn tiến thêm bước nữa mà thích sự mập mờ. Họ có thể trò chuyện hàng ngày, đi ăn, đi chơi với nhau như một cặp đôi đang yêu. Nhưng khi được hỏi không ai thừa nhận là người yêu của đối phương.
Với mối quan hệ này, cả hai có thể thoải mái làm những gì mình thích, có thể ở bên cạnh nhau hoặc biến mất bất cứ lúc nào mà không cần sự cho phép của người còn lại. Thậm chí một trong hai người vẫn có thể tán tỉnh hay nói chuyện với một người khác. Họ cũng chưa bao giờ xác định về tương lai lâu dài với nhau.
Thuật ngữ này bắt đầu phổ biến và được nhiều người nhắc tới hơn khi bài viết của một người phụ nữ tên Raeven Bostic trở nên viral trên Twitter khi cô kể về trải nghiệm yêu đương của mình. Với thế hệ trước mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu” có vẻ mơ hồ nhưng với các bạn trẻ trong cộng đồng Cột sống GenZ thì đã vô cùng phổ biến.
Ngân Hà (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cô cùng người bạn thân từ thời cấp 3 đang trong mối quan hệ trên tình bạn, dưới tình yêu. Cả hai thậm chí đã từng nắm tay, từng hôn nhau nhưng chưa bao giờ cậu bạn kia tỏ tình hay ngỏ ý muốn Ngân Hà làm người yêu. Ngược lại cô bạn cũng không muốn có danh phận ràng buộc mà chỉ muốn mập mờ như hiện tại. Bởi như vậy cô vẫn sẽ có các vệ tinh khác vây xung quanh, cũng không sợ vì hai chữ người yêu mà mất đi cậu bạn thân.
“Theo mình thì ngọt ngào đến mấy rồi cũng tan thành mây. Nếu mình và cậu ấy tiến thêm một bước nữa trở thành người yêu thì mối quan hệ này có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Như vậy mình sẽ mất đi một người bạn thân rất tốt mà mình thì không muốn điều đấy.”
Không bị ràng buộc, không phải cưới xin
Điều khiến thế hệ Gen Z thích nhất trong mối quan hệ kiểu này chính là không bị ràng buộc. Họ không cần sợ người yêu ghen tuông đồng thời có thể thoải mái trò chuyện, làm bạn với những người khác giới khác mà không sợ bị nói “cắm sừng” người yêu. Nhất là với những người yêu thích chủ nghĩa độc thân thì mối quan hệ “trên tình bạn dưới tình yêu” càng tuyệt vời vì không cần lo sợ một ngày đối phương đòi kết hôn.
Tôi có một cô bạn thân khá xinh xắn, luôn có các chàng trai vây quanh. Mỗi anh chàng khi tán tỉnh đều cho nó một trải nghiệm khác nhau. Cô bạn của tôi thì không từ chối người nào cũng chẳng nhận lời một ai. Cả tuần nó chỉ tốn thời gian sắp lịch đi chơi với từng anh, ai tặng quà cũng đều nhận. Khi được bạn bè khuyên thấy ai tốt nhất thì nhận lời yêu. Sau đó nên từ chối hết những người còn lại cho rõ ràng thì cô bạn của tôi lại thích kiểu quan hệ "trên tình bạn dưới tình yêu" hơn.
“Bây giờ là thời buổi nào rồi, càng mập mờ tôi càng thích. Cần gì phải có danh phận cho ràng buộc ra. Đằng nào thì tôi cũng chẳng thích lấy chồng, yêu làm gì rồi lại phải dẫn về nhà ra mắt. Như thế mới là gieo hi vọng cho người ta đấy.”
Khi có anh chàng nào đó chuẩn bị bỏ cuộc, nó lại bắt đầu thả thính thêm bằng những lời đường mật. Thậm chí còn thẳng thắn bày tỏ thích mối quan hệ “trên tình bạn dưới tình yêu”. Khi nghe những điều này, có chàng trai từ bỏ nhưng cũng có không ít người vẫn tiếp tục dù biết mối quan hệ chẳng đi đâu về đâu.
Thực tế, mối quan hệ “trên tình bạn dưới tình yêu” đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Họ cũng không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân, gia đình. Chuyên gia tâm lý hôn nhân Saba Harouni Lurie từng chia sẻ trên NBCNews cho rằng mối quan hệ kiểu này trở nên phổ biến vì ngày càng có nhiều người trẻ mong muốn khám phá mối quan hệ mà không bị áp lực ràng buộc.
Tuy nhiên, nếu ở trong mối quan hệ “trên tình bạn dưới tình yêu” quá lâu cũng có những điều bất cập. Nó khiến bạn mất quá nhiều thời gian vô bổ vào thứ tình cảm không biết rõ kết quả, không biết trước tương lai. Về lâu về dài cả hai sẽ cảm thấy nhàm chán, dễ xảy ra xung đột. Và khi chấm dứt mối quan hệ cũng đồng nghĩa với việc tình bạn sẽ kết thúc. Những hậu quả của mối quan hệ kiểu này đã từng là đề tài được đưa ra thảo luận trên YAN TV thu hút sự chú ý của nhiều người.
Khi ấy bạn đã mất đi thanh xuân, tuổi trẻ. Lúc này nếu muốn nghiêm túc bắt đầu lại với tình yêu đúng nghĩa thì sẽ ít cơ hội hơn. Nhất là nếu muốn lập gia đình thì lại càng khó khăn, dễ kết hôn vội vã và chia tay chóng vánh nếu kết hôn qua mai mối. Do đó, dù chạy theo xu thế hiện đại nhưng Gen Z cũng nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bước vào mối quan hệ như vậy.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi group Cột sống GenZ để cập nhật thêm nhiều tin tức giới trẻ thú vị.
Chuyện tình cảm với thế hệ Gen Z ngày nay ngày càng cởi mở hơn. Nhiều người không ngại sống thử trước hôn nhân. Mối quan hệ "trên tình bạn dưới tình yêu" cũng dần trở lên phổ biến. Điểm chung của các chuyện tình thời hiện đại là giới trẻ thích tự do, thoải mái, không bị ràng buộc bởi danh phận cũng như trách nhiệm. Mối quan hệ kiểu này thời gian đầu có thể có những hứng thú nhất thời nhưng về lâu về dài sẽ rất dễ xảy ra xung đột. Hơn nữa, nếu cứ phí hoài tuổi xuân trong một mối quan hệ mập mờ bạn sẽ dễ đánh mất đi thời gian quý giá của mình.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !