Nhiều “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc lặng lẽ rút khỏi thị trường Nga

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:25:01

Nhiều “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc lặng lẽ rút khỏi thị trường Nga

(Ảnh minh họa: Par 8th.creator/Shutterstock)


Nguồn tin từ WSJ cho biết, dù chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các công ty Trung Quốc không chấp nhận ép buộc của nước ngoài, nhưng nhiều công ty công nghệ Trung Quốc có vị trí thống lĩnh trên thị trường Nga vẫn lặng lẽ đình chỉ hoạt động tại Nga và ngừng xuất các lô hàng mà không đưa ra tuyên bố công khai về động thái này.

Những “gã khổng lồ” Trung Quốc ngừng hoạt động tại Nga


Theo nguồn tin quen thuộc vấn đề, những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã rút khỏi hoạt động kinh doanh tại Nga, bao gồm nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới Lenovo và thương hiệu điện thoại thông minh Xiaomi – là 2 thương hiệu lớn thứ hai tại thị trường Nga. Trong đó, Lenovo đã ngừng xuất hàng đến Nga ngay sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ và các lệnh trừng phạt ở châu Âu và Mỹ có hiệu lực, hiện hãng chỉ bán hàng tồn kho ở Nga; còn Xiaomi cũng giảm lượng lớn lô hàng đến Nga, người phụ trách kinh doanh khu vực Nga của công ty tiết lộ đã trong nhiều tuần họ không nhận được hàng.


Khi Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, các công ty công nghệ Trung Quốc đã làm một công việc khác với nhiều công ty phương Tây là tránh đưa ra tuyên bố công khai về việc Nga gửi quân đến Ukraine hoặc về các hoạt động của họ ở Nga. Nhưng trong một thông báo công khai hiếm hoi vào tháng trước, hãng khổng lồ máy bay không người lái DJI (Da-Jiang Innovations) của Trung Quốc cho hay, công ty đã ngừng các hoạt động thương mại ở Nga và Ukraine, đồng thời tiến hành đánh giá nội bộ về các yêu cầu tuân thủ trong các khu vực tài phán khác nhau.

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga giảm mạnh trong tháng Ba


Theo dữ liệu thương mại mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sang Nga trong tháng Ba đã giảm mạnh so với tháng Hai: máy tính xách tay giảm hơn 40%, điện thoại di động giảm gần 2/3, trạm phát sóng viễn thông giảm 98%, giá trị xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc sang Nga trong tháng Ba giảm 27% so với tháng Hai.


Như đã biết trước đó, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều làn sóng trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu trên diện rộng đối với Nga sau khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai năm nay, Mỹ cũng cảnh báo trừng phạt các công ty Trung Quốc xem thường lệnh trừng phạt. Ngoài ra, nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, các công ty chip lớn của Mỹ cung cấp cho các công ty Trung Quốc cũng đã gây áp lực buộc khách hàng của họ tuân thủ các lệnh trừng phạt để đảm bảo rằng nguồn cung chất bán dẫn của Mỹ không được vận chuyển đến Nga thông qua bên trung gian vi phạm quy định; thông tin cho hay vào tháng Ba bên cung cấp ở Mỹ đã gửi thư cho tất cả khách hàng để thúc giục họ tuân thủ quy định và đại diện bán hàng của họ đã vào cuộc để đảm bảo khách hàng tuân thủ.


Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng trước thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã làm gián đoạn thương mại Trung-Nga, đồng thời phản bác việc các công ty nước ngoài ép buộc các công ty Trung Quốc “chọn bên”, cơ quan chức năng Bắc Kinh yêu cầu các công ty và cá nhân có liên quan của Trung Quốc không khuất phục trước ép buộc từ bên ngoài và hãy thể hiện phản ứng trước động thái cưỡng ép. Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.


Trước đây, có thông tin cho rằng để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều ngân hàng nhà nước ở Trung Quốc đã chuyển giao hoạt động kinh doanh của họ liên quan đến Nga cho các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc không có chi nhánh ở nước ngoài.


Vương Quân, Vision Times

Vì sao lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc từ chức khi còn quá trẻ?

Một hiện tượng đáng chú ý tại Trung Quốc là những năm gần đây, nhiều doanh nhân còn trẻ đã sớm rút khỏi công việc quản lý doanh nghiệp.

Chia sẻ Facebook