Nhiều đơn thư về "sở hữu kỳ nghỉ" được gửi đến Tổng cục du lịch

Chia sẻ Facebook
08/06/2023 11:22:01

Ngày 6/6, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ban hành văn bản về việc tuyên truyền để du khách hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ".

Cơ quan này cho biết, đã nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ".

Nội dung phản ánh, chủ sở hữu kỳ nghỉ, ngoài việc có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, còn phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường gây thiệt hại cho các chủ sở hữu.

Nhiều chủ sở hữu bị gây nhầm lẫn thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ và một số nội dung khác.


Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức về mô hình "sở hữu kỳ nghỉ" theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương.


Cụ thể, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu, chào bán "sở hữu kỳ nghỉ", cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ sẽ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp.


Trước khi quyết định giao kết hợp đồng, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ về nhu cầu của bản thân, gia đình; so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc "cam kết miệng" của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng...

Đặc biệt, khách hàng phải xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng.

Hầu hết các hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng…

Thẻ du lịch nghỉ dưỡng đang được nhiều người quan tâm nhưng nhưng đang bộc lộ những bất cập cần được chấn chỉnh (Ảnh: DT).

Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng, không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

Chẳng hạn, các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng như: Thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao lâu, có đi kèm điều kiện gì không…

Các điều khoản bất lợi cho khách hàng cũng có thể xuất hiện trong hợp đồng: Hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên...


Thời gian vừa qua, Báo Dân trí đã triển khai tuyến bài về vấn đề này và nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Tòa soạn sẽ tiếp tục triển khai để có thông tin hữu ích cung cấp tới bạn đọc.

Chia sẻ Facebook