Nhiều doanh nghiệp phải chờ được vay với lãi suất giảm

Chia sẻ Facebook
26/12/2022 08:10:07

Việc giảm lãi suất cho vay tùy vào tình hình thực tế của từng ngân hàng và dù có giảm thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận vốn vay.

Nhiều doanh nghiệp phải chờ được vay với lãi suất giảm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trên thực tế thì các DN vẫn đang phải chờ.


Nhiều ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất

Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất huy động. Mới đây nhất, ngày 20-12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động 0,4%-1%/năm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện chỉ còn 9,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, giảm 1%/năm so với trước.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG


Tương tự, Ngân hàng MSB cũng giảm 0,4% ở tất cả kỳ hạn khiến lãi suất huy động cao nhất tại đây là 9,2%/năm, thay vì 9,6%/năm vào đầu tháng 12.

Xử lý ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất

Thống đốc NHNN Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn.

Các ngân hàng cần tập trung cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.


Cụ thể, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại quầy là 8,6%/năm và online là 8,9%/năm. Ngân hàng SHB cũng tuyên bố đang duy trì biểu lãi suất khá thấp khi lãi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này chỉ là 8,52%/năm.


Không chỉ giảm lãi suất huy động mà nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Theo đó, đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, mức lãi suất giảm 0,5-3 điểm %. Ví dụ nhóm ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV , Agribank , VietinBank… tuyên bố giảm lãi suất để hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết: “Trước áp lực tăng lãi suất cho vay do lãi suất huy động đầu vào tăng, chúng tôi đã tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động vốn đầu vào để giảm chi phí huy động vốn, từ đó tạo nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng”.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank, cũng cho hay việc đưa ra chính sách giảm lãi suất có cân nhắc đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng và cũng là trách nhiệm với cổ đông của ngân hàng. HDBank mong sự đồng hành của mình sẽ góp phần hỗ trợ khách hàng có thêm động lực vượt qua trở lực và tăng tốc trong thời gian tới.


Các doanh nghiệp: Người chờ, người khó tiếp cận

Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất đối với DN và nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng: Trong bối cảnh DN đang khó khăn, cộng thêm lãi suất cao thì họ sẽ buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất và sa thải nhân sự. Song với chính sách giảm lãi suất cho vay mà các ngân hàng đã cam kết, sẽ tác động tích cực đến các DN sản xuất.

Các doanh nghiệp đang rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: GIA TUỆ

“Điều này không chỉ giúp DN tiết giảm chi phí lãi vay, mà còn giúp duy trì sản xuất và từng bước phát triển. Đồng thời, người lao động vẫn có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định, nhất là trong những tháng cuối năm này” - ông Hùng nói.


Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ,đại diện nhiều công ty khẳng định chỉ mới có một số công ty trong lĩnh vực ưu tiên được giảm lãi suất, còn lại đa số chưa được hưởng chính sách này và họ đang chờ.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May Dony, cho biết: Nhờ lịch sử tín dụng tốt, có tài sản đảm bảo, cộng thêm việc sử dụng tất cả dịch vụ thanh toán nên việc tiếp cận vốn tại ngân hàng của công ty hiện không gặp khó khăn. Có điều trong số ngân hàng mà công ty có quan hệ tín dụng thì chưa thấy nơi nào thông báo giảm lãi suất cho vay.

Giám đốc một DN xuất khẩu cà phê cũng khẳng định: “Tiếp cận vốn vay còn khó chứ nói gì đến giảm lãi suất cho vay. Tôi vẫn bị nhiều ngân hàng từ chối cho vay, trong khi DN tôi vẫn có tài sản đảm bảo và điểm tín dụng tốt. Tôi hy vọng rằng ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất thì cần triển khai ngay trên thực tế, làm sao để chủ trương này đến được DN và người dân”.

Liên quan vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại giải thích: Mặc dù ai cũng muốn chính sách giảm lãi suất cho vay sẽ diễn ra trên diện rộng nhưng hiện nay ngân hàng đang khó nên mức độ giảm lãi vay ra sao, quy mô dư nợ giảm lãi suất như thế nào tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng ngân hàng. Vậy nên đừng đòi hỏi 100% ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Cạnh đó, đòi hỏi tất cả đối tượng cùng được hưởng chính sách giảm lãi suất là điều không thể.

“Chưa kể với tình hình DN còn nhiều khó khăn, nợ xấu có nguy cơ tăng cao và lúc đó ngân hàng lãnh đủ. Lúc này các ngân hàng đang gồng hết sức mình mới có thể chia sẻ khó khăn với DN chứ cũng không dư dả đâu” - vị lãnh đạo ngân hàng nói.


Có độ trễ nhất định

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng: Muốn giảm lãi suất cho vay thì đương nhiên lãi suất huy động cũng phải giảm theo. Ông cũng cho rằng động thái giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ lan tỏa mạnh trong hệ thống. Nếu ngân hàng này giảm lãi suất cho vay, ngân hàng khác đứng yên sẽ bị giảm tính cạnh tranh.

Hiện tại, việc giảm lãi suất chủ yếu dành cho DN sản xuất, kinh doanh có uy tín, xếp hạng tín nhiệm loại A. Còn khách hàng không chứng minh được đầu vào, đầu ra của dòng tiền, kinh doanh trong lĩnh vực có độ rủi ro cao thì ngân hàng có thể không cho vay hoặc cho vay với lãi suất phù hợp.


Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: Khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay trước sau cũng sẽ giảm nhưng nó có độ trễ nhất định và mức độ giảm sẽ tùy theo “sức khỏe tài chính” của từng ngân hàng. Giờ đây khi đồng USD đang giảm, NHNN cũng liên tục điều chỉnh hạ tỉ giá USD /VND. Điều này phát đi tín hiệu là đồng USD đang ổn định so với đồng VND .

“Tôi cho rằng thay vì kêu gọi các ngân hàng xem xét hạ lãi suất cho vay, NHNN nên tính toán hạ lãi suất điều hành. Để từ đó các ngân hàng có cơ sở giảm lãi suất huy động và đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn” - ông Thịnh nhấn mạnh.

THÙY LINH


Pháp luật TPHCM

Chia sẻ Facebook