Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng không “mặn mà” do đâu?
Hiện nay, có không ít chương trình hỗ trợ tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận?
Chiều 23/3 tại Diễn đàn "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh, gần đây, chỉ trong vòng 1 tuần mà có 1 ngân hàng của Thụy Sỹ, 2 ngân hàng của Mỹ lâm hoàn cảnh khó khăn, cho thấy nền kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Nền kinh tế của Việt Nam muốn ổn định và phát triển phải dựa vào tình hình kinh tế thế giới và đánh giá được thực chất "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Long nêu vấn đề: “Để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp”.
Nhận định về tình hình chung, các chuyên gia cho rằng, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo bà Trần Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn không chỉ đến từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, mà còn đến từ tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Bà Minh nêu ví dụ, việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân do doanh nghiệp còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất và quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng.
Bà Minh cũng đề cập, trong bối cảnh hiện tại, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu cũng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, tiếp cận tín dụng của ngân hàng dù đã có nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho biết, chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền thanh toán cho nhà thầu. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn gán nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm nhà hoặc chây ì không thanh toán. Tình trạng này khiến nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản.
“Nhà thầu Việt Nam vốn nhỏ trong khi đặc điểm ngành xây dựng vay tiền ngân hàng ứng vốn làm trước rồi mới được Chủ đầu tư thanh toán sau. Nếu chủ đầu tư chậm trả, nhà thầu chết chắc (vừa không có tiền trả vật tư, nhân công vừa phải lo lãi vay ngân hàng với lãi suất 12%-14% giai đoạn đầu 2023). Trong bối cảnh này, một số nhà thầu còn cố sống cố chết đấu thầu bằng mọi giá để cứu doanh nghiệp trước mắt nhưng càng làm càng lỗ, càng gần hơn nguy cơ phá sản”, ông Hiệp chia sẻ.
Để góp phần giúp doanh nghiệp phát triển thời gian tới, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội , kiến nghị, cơ quan chức năng nên đa dạng kênh kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng.
“Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, minh bạch tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Quốc Anh kiến nghị.
Tiểu Phi (Tổng Hợp)