Nhiều doanh nghiệp địa ốc “sức cùng lực kiệt”, lương nhân viên phải chia nhỏ để trả dần
Khó khăn đang “bủa vây” các doanh nghiệp BĐS khi thanh khoản dự án sụt giảm, không bán được hàng; việc tiếp cận vốn ngân hàng trở thành rào cản lớn lúc này. Không ít doanh nghiệp cố “gồng gánh” và gần như “kiệt sức” khi phải duy trì bộ máy trong bối cảnh không có nguồn thu.
Doanh nghiệp BĐS dần “đuối sức”
Có lẽ chính sách tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát đang trở thành “cú bồi” khiến doanh nghiệp địa ốc “sức cùng lực kiệt” chống đỡ sau khoảng thời gian dài chịu trận bởi Covid-19. Đây là thời điểm nhìn rõ nhất tình trạng doanh nghiệp rơi vào trạng thái “đuối sức” vì thiếu vốn.
Mấy tháng nay, một sàn BĐS khá lớn tại Tp.HCM đã phải chia nhỏ lương để trả dần cho nhân viên. Việc trả lương cho nhân viên giống như việc “chạy bữa” từng ngày của doanh nghiệp. Hơn 6 tháng, kể từ thời điểm siết tín dụng, việc bán hàng của doanh nghiệp gần như chỉ là “cầm chừng”. Đến hiện tại, vừa không bán được hàng, vừa không tiếp cận được nguồn vốn vay đã khiến doanh nghiệp này suy yếu dần. Khi nhân viên phải nhận lương chia nhỏ hoặc chậm trễ vì doanh nghiệp phải tìm nguồn để “bù” vào, khiến bộ máy bị ảnh hưởng.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại một doanh nghiệp BĐS có trụ sở tại Q.2, Tp.HCM khi mấy tháng nay không bán được hàng, trong khi chi phí để nuôi hơn 400 nhân sự khiến doanh nghiệp này “lao đao”. Nhiều nhân sự đã bị cắt giảm, hoặc giảm lương, hoặc chậm lương. Tình trạng này theo cách doanh nghiệp bày tỏ, khó khăn ngang ngửa, thậm chí có dấu hiệu “tê liệt” hơn thời kì Covid-19 hành hoành. Thanh khoản thị trường lao dốc, dòng tiền thiếu hụt đã khiến doanh nghiệp này “chạy” lo chi phí từng bữa.
Là một doanh nghiệp lớn phía Nam nhưng cũng đuối sức không kém. Có trụ sở tại Q.1, Tp.HCM doanh nghiệp này “than khó” khi không ra được hàng, đồng thời dòng tiền tiếp cận vay khó khăn đã khiến doanh nghiệp “gồng gánh” nhiều thứ, bao gồm cả lãi vay các khoản trước đó. Nguồn vốn tiếp cận từ trái phiếu lại càng khó hơn ở thời điểm này. “Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng khó khăn”, đại diện doanh nghiệp này than thở.
Ghi nhận cho thấy, việc ngân hàng Nhà nước liên tục có động thái mạnh tay kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp đổ vào lĩnh vực BĐS đã khiến cộng đồng doanh nghiệp địa ốc khó huy động vốn vay, không có dòng tiền để tiếp tục triển khai dự án hay thực hiện các dự án mới.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã rơi vào tình cảnh không còn tiền để trả nợ vay, duy trì bộ máy chỉ nhằm giữ chân người lao động. Nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ, giao dịch bị sụt giảm nghiêm trọng.
Tồn kho BĐS tăng, nguồn vốn bị “bóp nghẹt”
Số liệu báo cáo cho thấy số ngày hàng tồn kho BĐS đã cán mốc 1.500, tương đương phải mất gần 4 năm mới “xả kho” hết. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho tập trung chủ yếu tại những phân khúc căn hộ hạng A và B.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tính riêng tại thị trường Tp.HCM, số lượng hàng tồn kho đã đạt 4.400 căn, chiếm 60% tổng hàng tồn kho sơ cấp trên toàn thị trường, mức cao nhất kể từ năm 2019. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng A và hạng B là dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho, chiếm 89% tổng lượng hàng tồn kho tại thị trường Tp.HCM. Lượng giao dịch căn hộ trong quý 3/2022 chỉ đạt 900 căn, giảm 89% so với quý 2/2022. Tỷ lệ hấp thụ đạt ở mức 15%, thấp nhất kể từ năm 2019. Trong đó, các dự án mới cũng chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ 35%.
Theo chuyên gia Savills, động thái hạn chế dòng tín dụng vào BĐS khiến cả chủ đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khăn.
Tồn kho BĐS tăng cao cùng các nguồn vốn từ tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng “đuối sức” vì thiếu vốn. Dự báo đến đầu năm 2023, tình hình này cũng không khởi sắc.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, bên cạnh tồn kho các sản phẩm hoàn thiện, tồn kho của các doanh nghiệp phần lớn còn nằm ở các chi phí liên quan trực tiếp đến dự án đang xây dựng dở dang. Trải qua hai năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư vì thiếu vốn cũng như giá vật liệu xây dựng tăng cao. Điều này đã kéo theo tổng giá trị tồn kho của nhiều doanh nghiệp vượt ngưỡng. Chưa kể, trong thời gian thị trường BĐS trầm lắng thì một số doanh nghiệp lớn đã nhân cơ hội để đẩy mạnh M&A dự án cũng là nguyên nhân khiến giá trị tồn kho không ngừng tăng mạnh.
“Nếu các kênh huy động vốn không được “mở van” thì từ giờ đến cuối năm tình trạng doanh nghiệp địa ốc “đuối sức” sẽ ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sẽ khó cầm cự. Nhà đầu tư thứ cấp cũng sẽ khó khăn vì thị trường thứ cấp đang trầm lắng, người có nhu cầu thật khó tạo lập được nhà ở hơn trước”, ông Châu khẳng định.
Trong văn bản mới đây, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, nhất là trái phiếu riêng lẻ để hoạt động phát hành trái phiếu trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa hiệu quả cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Theo ông Châu, tín dụng và trái phiếu là những kênh huy động không thể thiếu đối với sự sống của các doanh nghiệp bất động sản. Không có một doanh nghiệp nào đủ mạnh về dòng vốn tự thân để tồn tại và phát triển lâu dài. Vì vậy, việc nới room tín dụng, tạo điều kiện cho trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh là rất cần thiết.