Nhiều diện tích đất ven biển ở Ninh Thuận bị lấn chiếm
Ít nhất gần 100ha đất tại các khu vực ven biển ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận bị lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản, làm đường giao thông, trồng trụ điện, dựng chòi, xây hồ nước để trồng cây lâu năm…
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, vừa ký ban hành kết luận thanh tra số 735 về việc quản lý, sử dụng đất dọc hai bên đường ven biển đoạn qua huyện Thuận Nam và khu vực 52ha thuộc xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam).
Theo kết luận thanh tra, năm 2001, UBND tỉnh có quyết định giao khu vực 52ha cho Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam) để trồng rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản, thời gian đến năm 2010.
Thống kê cho thấy khu vực trên hiện đã bị 44 hộ dân lấn chiếm với tổng diện tích 35,42ha. Trong đó, từ năm 2002 – 2010 có 37 hộ dân lấn chiếm với diện tích 28,95ha; từ năm 2011 đến nay, có 7 hộ lấn chiếm với diện tích 6,47ha.
Qua kiểm tra rà soát, hiện có 23 hộ dân đang trực tiếp nuôi trồng thủy sản trên diện tích 17,3ha, còn lại là đất trống, bỏ hoang hóa, không canh tác.
Ngoài ra, tại khu vực 22ha (liền kề với khu vực 52ha) đã được quy hoạch thành các loại đất văn hóa, giao thông, sông suối, mặt nước chuyên dùng, nuôi trồng thủy sản từ năm 2011.
Đến năm 2020, khu vực 22ha này tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản, đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp (dự án Trung tâm dã ngoại thanh thiếu niên)…
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy toàn bộ khu vực này đã bị lấn chiếm. Trong đó, đã có 8 trường hợp lấn chiếm 7,3ha đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hơn 45ha đất thương mại dịch vụ bị lấn chiếm
Theo kết luận thanh tra, khu vực bãi đá trứng thuộc thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, được UBND tỉnh Ninh Thuận đưa vào quy hoạch thuộc loại đất thương mại dịch vụ. “Do UBND xã quản lý không chặt chẽ dẫn đến việc lấn chiếm đã xảy ra từ năm 1996 đến năm 2018”.
Đến nay, có 6 hộ dân lấn chiếm 45,05ha tại khu vực bãi đá trứng để san ủi, làm đường giao thông, dựng hàng rào, trồng trụ điện, dựng chòi, xây hồ nước để trồng cây lâu năm…
Thanh tra còn phát hiện nhiều trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị chồng lấn và chưa phù hợp với quy hoạch ba loại rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam quản lý.
Đặc biệt, quá trình thanh tra cũng phát hiện 7 trường hợp nhận chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ không phải là người địa phương với tổng diện tích 11,13ha, vi phạm Khoản 4, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm trên.
Minh Long
Quảng Nam muốn giảm hơn 1.600 ha rừng phòng hộ ven biển để lấy đất xây dựng
Giới chức tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp 3.636 ha rừng phòng hộ ven biển xuống còn 2.000 ha để có quỹ đất xây dựng.