Nhiều địa phương thiếu hụt nhân viên y tế
Trong khi ngành y tế đang loay hoay tìm nhân sự bổ sung thì nhiều nhân viên y tế vẫn tiếp tục xin nghỉ việc. Ngành y tế các địa phương ở phía Nam đang rơi vào cảnh “khó chồng khó”.
Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, nữ điều dưỡng N.T.T. (26 tuổi, công tác tại Bệnh viện huyện Củ Chi, TPHCM) đã quyết định nộp đơn xin thôi việc . Chị T. cho biết: “Khi có dịch chúng tôi phải trực liên tục, công việc quá nhiều áp lực nhưng thu nhập không tương xứng. Trung bình mỗi tháng tiền lương và phụ cấp cũng chỉ được hơn 8 triệu đồng, tôi phải rất chật vật trong chi tiêu, sinh hoạt thường ngày. Tôi đã chuyển qua làm cho một phòng khám thẩm mỹ và cảm thấy hài lòng với mức thu nhập cũng như công việc tại đây”.
Chia sẻ với phóng viên, BS Trần Chánh Xuân - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết: “Bệnh viện nằm ở vùng ngoại ô thành phố nên việc tuyển nhân sự gặp nhiều khó khăn. Ngoài nhu cầu tuyển thêm bác sĩ, chúng tôi còn cần tuyển điều dưỡng nhưng khó tuyển dụng. Các bác sĩ ngoài giờ hành chính còn có thể đi khám bệnh hoặc làm phòng mạch tăng thêm thu nhập nhưng điều dưỡng thì gần như chỉ có lương cứng. Công việc của điều dưỡng trên thực tế có nhiều áp lực nhưng mức thu nhập còn hạn chế”.
Ngành y tế TPHCM kỳ vọng thời gian tới Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sẽ có cơ chế để cải thiện thu nhập, cải thiện môi trường làm việc để giữ chân lực lượng điều dưỡng nói riêng và nhân viên y tế nói chung.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có khoảng 2.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc sang y tế tư nhân hoặc việc khác. Trong khi đó, tính từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 500 nhân viên y tế nghỉ việc.
Ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết, bệnh viện cấp 1 tuyến tỉnh, nhưng con số nhân viên y tế nghỉ việc ở mức cao, nhiều bác sĩ, điều dưỡng có chức vụ, có kinh nghiệm lâu năm cũng nằm trong số những người nghỉ việc. Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viện có 78 người nghỉ việc, trong đó có 1 trưởng khoa, 3 phó trưởng khoa, 1 trưởng phòng.
Tạo cơ chế thu hút
Theo ông Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, để đáp ứng nhu cầu, ngành đang tuyển dụng 850 chỉ tiêu biên chế với 270 vị trí. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng đang gặp khó do lương ngành y tế còn thấp, chưa tạo được sức hút.
Một lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, nguồn thu của đơn vị chủ yếu là bảo hiểm y tế, chiếm gần 90% nhưng thời điểm hiện tại Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa quyết toán chi phí khám chữa bệnh giai đoạn từ 2017 đến 2022. Đặc biệt, bệnh viện đang gặp khó trong việc thanh toán công nợ thuốc, vật tư, hóa chất và các dịch vụ khác cho nhà cung cấp.
Theo PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, biến động về nhân lực trong hệ thống y tế công lập đang gây ra những khó khăn khi hầu hết các bệnh viện đều bị thiếu điều dưỡng. Để phục vụ tốt cho người bệnh thì cứ 1 bác sĩ phải có 3 điều dưỡng.
Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện chỉ có trung bình từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ. Các bệnh viện đang có nhu cầu tuyển dụng thêm điều dưỡng nhưng rất khó tìm được nhân sự.
Ngành y tế TPHCM kỳ vọng thời gian tới Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sẽ có cơ chế để cải thiện thu nhập , cải thiện môi trường làm việc để giữ chân lực lượng điều dưỡng nói riêng và nhân viên y tế nói chung.