Nhiều đại biểu đồng tình kéo dài áp dụng Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu
Tại phiên thảo luận tại tổ sáng nay (25/5), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để xử lý nợ xấu.
Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và việc thực hiện Nghị quyết 42, thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết này.
Các đại biểu đánh giá nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, khi GDP tăng hơn 5,03% trong quý 1. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đến giữa tháng 5 tăng hơn 15,53% so với cùng kỳ năm 2021. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
"Trong bối cảnh nhiều quốc gia lớn tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương, tôi cho rằng đó là sự nỗ lực cố gắng. Niềm tin và sự kỳ vọng của doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư năm 2021 tăng 25,2%, trong khi trước đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội dự kiến là giảm", ông Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Điện Biên, nói.
"Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, kiến nghị kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư, khâu chế biến nông sản cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề lưu trữ hiện nay còn hạn chế. Nếu so sánh với Thái Lan, Thái Lan hiện nay có hệ thống lưu trữ hiện đại", ông Trình Lam Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh An Giang, nêu ý kiến.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể có nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 để xử lý nợ xấu, bởi khi nợ xấu được xử lý sẽ giúp khơi thông dòng tiền cho phát triển kinh tế.
"Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện Nghị quyết 42 có nhiều bất cập. Nếu được tháo gỡ thì việc xử lý nợ xấu có thể đạt kết quả tích cực hơn. Người vay vốn không có khả năng trả nợ, khi các tổ chức tín dụng muốn xử lý tài sản đảm bảo vẫn phải xin ý kiến của người đi vay. Trong khi những người đi vay có trường hợp đi trốn, nên cơ chế xử lý tài sản đảm bảo vẫn rất khó khăn", ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết.
Sau 5 năm triển khai, hơn 380.200 tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu được xác định. Các đại biểu cũng kiến nghị trong thời gian kéo dài Nghị quyết, cần xem xét xây dựng luật về xử lý nợ xấu để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình này.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu.