Nhiều cơ quan nhà nước không muốn chia sẻ dữ liệu số
Trong nhiều nguyên nhân gây vướng mắc về mở dữ liệu số phục vụ kết nối nguồn dữ liệu quốc gia, việc nhiều cơ quan nhà nước không muốn chia sẻ dữ liệu là vấn đề
Tại DX Summit 2023 do VINASA tổ chức, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông đã trao đổi về thực trạng kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành địa phương.
Ông thẳng thắn chỉ ra, việc xây dựng thể chế, kết nối chia sẻ nguồn dữ liệu quốc gia hiện còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân thứ nhất có thể do cơ quan nhà nước không muốn chia sẻ. Nguyên nhân thứ hai, nhiều đơn vị muốn chia sẻ nhưng hạ tầng kỹ thuật cũng như nhiều yếu tố khác không cho phép chia sẻ.
Việc này được đặt ra trong bối cảnh, về cơ sở pháp lý, Nghị định 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước ban hành ngày 9/4/2020 đã quy định rõ ràng về quy trình kết nối, thẩm quyền chia sẻ, quản trị dữ liệu cũng như giải quyết vướng mắc và một số vấn đề liên quan đến dữ liệu mở.
Cùng với đó, về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã xây dựng được Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, trong đó có các mô hình tham chiếu, mô hình kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, các yếu tố kỹ thuật, công nghệ và hệ thống trung gian nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, cấp tỉnh (NGSP/LGSP).
Theo ông Nguyễn Phú Tiến , đến hết năm nay, 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở.
Theo ông Tiến, để giải quyết vấn đề chia sẻ dữ liệu, trên quy mô quốc gia cần xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử. Ở phía dưới, mỗi bộ, tỉnh cần xây dựng nền tảng và trung tâm kết nối chia sẻ dữ liệu.
Hiện tại, các bộ, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu NDXP do các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin triển khai, quản lý. “Các nền tảng này sẽ được tích hợp trên quy mô quốc gia để có được sự liên thông dữ liệu giữa các bộ, các tỉnh, thành phố” – người đứng đầu Cục Chuyển đổi số Quốc gia nói.
Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2023, 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở. Trên Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn có hơn 10.000 tập dữ liệu để các đơn vị chia sẻ và khai thác.
Nhiều tồn tại làm khó địa phương
Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện kết nối và khai thác dữ liệu từ góc độ địa phương, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đề cập đến nhiều vấn đề, hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên ngành và hướng dẫn kỹ thuật từ trung ương chưa đầy đủ, quy trình, thủ tục đầu tư chậm và nhiều khó khăn khi thí điểm công nghệ mới cũng như sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, khi xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu, các đơn vị, địa phương cần huy động tối đa các nguồn lực chuyên gia, tổ chức xã hội để thực hiện mục tiêu, tận dụng và phát huy vai trò của Khung kiến trúc Chính quyền điện tử để giải quyết bài toàn tổng thể về kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ tại sự kiện
Riêng đối với TP.Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai có giai đoạn, đồng bộ thống nhất và có trọng tâm, trọng điểm trong các hạng mục, phần việc. Bên cạnh đó, giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin được địa phương sử dụng để tiết kiệm nguồn lực và đạt được mục tiêu.
Dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng trong thời đại công nghệ. Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bà Trinh cho rằng, để khai thác dữ liệu hiệu quả thì cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin.
Theo đánh giá của chuyên gia công nghệ, hiện nay, thị trường dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các giải pháp nước ngoài thường có chi phí lớn và chưa thực sự tối ưu với các bài toán dữ liệu đặc thù của Việt Nam. Do đó bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ Việt là cần làm chủ công nghệ, đẩy nhanh công tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp mới, các giải pháp Make in Vietnam để có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu./.