Nhiều chủ tàu 67 không thể trả nợ, bị ngân hàng khởi kiện
Một nửa trong số 90.000 tàu cá cả nước đang phải nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao. 67% khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67 để hiện đại hóa tàu cá giờ đều là nợ xấu.
Từ cuối năm 2021 đến nay, giá nhiên liệu cho tàu khai thác thủy sản đã tăng 65% kéo theo chi phí đầu vào cho nghề khai thác thủy sản tăng từ 35 - 48%. Trong khi giá bán sản phẩm do tư thương thu mua chỉ ở mức cầm chừng đã khiến nhiều chủ tàu không muốn ra khơi và chịu lỗ.
Không thể đi biển thì không thể trả nợ là tình cảnh của nhiều người dân, nhất là những ngư dân vay ngân hàng đóng tàu mới theo Nghị định 67 từ năm 2014.
Nhiều chủ tàu 67 không thể trả nợ
Chiếc tàu cá vật liệu composite của ngư dân Cao Hoài Bổn được đóng theo hỗ trợ của Nghị định 67. Toàn bộ chiếc tàu được ngân hàng cho vay gần 9 tỷ đồng, tuy nhiên sau gần 8 năm, ông mới chỉ có thể trả số tiền vay gần 1,5 tỷ đồng.
Hai năm gần nay, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao, khiến việc trả nợ ngân hàng đối với ông lúc này là một bài toán nan giải.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định, dư nợ cho vay tàu 67 của tỉnh đến hiện nay là khoảng 800 tỷ đồng, trong đó có 57/60 khách hàng có nợ quá hạn số tiền gần 500 tỷ đồng.
Nếu những tàu vỏ composite còn hoạt động cầm chừng thì những chiếc tàu vỏ thép đã phải nằm bờ nhiều năm nay. Những con tàu này đang xuống cấp nghiêm trọng. Tại Bình Định, trong 61 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67, có 4 tàu bị ngân hàng thu hồi và bán lại; còn 15 tàu khác, ngân hàng đang kiện chủ tàu ra tòa và chờ bán đấu giá tàu để thu hồi nợ.
Hiện nay, ở tỉnh Bình Định, các công ty bảo hiểm đang tạm dừng bán bảo hiểm hoặc bán với mức rất thấp so với giá trị tàu cá cho vay theo Nghị định 67. Tuy nhiên, nhiều tàu cá đã hết hạn bảo hiểm, nhưng vẫn ra khơi đánh bắt dẫn đến rủi ro cao đối với việc cấp tín dụng hoặc phải nằm bờ không có nguồn trả nợ ngân hàng.
Vướng lưới nợ, bán thanh lý hàng loạt tàu cá 67
Nghi định 67 ra đời với mục tiêu tạo một cơ chế, chính sách hỗ trợ thuận tiện cho ngư dân xây dựng được một đội tàu cá vững mạnh hơn để ra khơi, đảm bảo cả kinh tế và an ninh quốc phòng.
Theo đó, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư và hạn vay tới 11 năm với lãi suất thấp nhất là 1%/năm. Có thể nói đây là cơ chế tín dụng chưa từng có trong ngành nông nghiệp.
Ông Phan Thu là ngư dân tiêu biểu - người đầu tiên của tỉnh Quảng Nam sở hữu con tàu cá vỏ thép. Vừa trở vào bờ sau chuyến đi đánh cá thuê, ông ra âu thuyền để ngắm con tàu lần cuối, bởi khối tài sản mà ông từng mơ ước đã được ngân hàng bán thanh lý cho một ngư dân ở phía Bắc với giá 1,5 tỷ đồng. Đánh bắt không hiệu quả, nhiều lần cải hoán, đổi nghề khai thác nhưng vẫn thất bại. Con tàu ra đi, nhưng số nợ ngân hàng hơn 10 tỷ đồng vẫn ở lại với gia đình ngư dân - chủ tàu này.
Trong 36 con tàu vỏ thép của tỉnh Quảng Nam được đóng theo Nghị định 67, phần lớn đã bán thanh lý, số ít lại thì hoạt động cầm chừng. Hiện hàng trăm tỷ đồng các ngân hàng cho ngư dân cho vay giờ là nợ xấu.
Khi tàu cá vỏ sắt bắt đầu nằm bờ, tỉnh Quảng Nam và các ngân tìm mọi cách để đưa những con tàu này ra khơi, trong đó có phương án bán con tàu kèm với tổng số nợ theo Nghị định 17 nhưng vẫn không thể thực hiện.
"Chúng tôi nghĩ là việc đóng tàu vỏ thép đã thất bại. Hậu vấn đề thanh lý, sau khi bán tàu cho chủ mới, khó khăn hiện nay với số ngư dân đã tiên phong đóng tàu vỏ thép đó là để lại tồn đọng lớn về dư nợ", ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết.
Bán thanh lý tàu cá vỏ thép với giá chỉ bằng 10% khi đóng mới, cả ngư dân và ngân hàng rất xót xa.
50% tàu cá “nằm bờ” do giá xăng dầu tăng cao
Trên các cảng cá, kể cả những tàu đóng bình thường, vẫn chạy tốt... cũng nằm bờ hàng loạt vào thời điểm này. Mọi hoạt động trở nên đìu hiu, chưa bao giờ ngư dân rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Đến cuối năm 2021, cả nước có gần 92.000 tàu cá hoạt động trên các vùng biển, bảo việc làm, thu nhập cho hơn 600.000 ngư dân và gần 4 triệu lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển.
Việc khoảng 50% số tàu cá cả nước đang phải nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.
Trước những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá trong 6 tháng với mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng.
Theo tính toán, nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản, đã tăng lên 65%. Như vậy, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng gần 3.800 tỷ đồng/tháng.
Hiện có khoảng gần 5 triệu lao động làm việc liên quan đến ngành khai thác thủy sản và dịch vụ ven biển. Một con tàu ra khơi, ít nhất 5 - 7 ngư dân có thu nhập, nhiều hơn có thể lến đến cả chục người. Tuy nhiên, khi hàng chục ngàn tàu cá nằm bờ, hàng trăm ngàn ngư dân không có việc làm, kéo theo đó là hàng triệu người bị ảnh hưởng. Hệ quả tất yếu là các doanh nghiệp chế biến thủy sản lao đao vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Khó khăn chồng chất khó khăn là tình cảnh của những ngư dân từng háo hức vay được vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.
Hiện nay số lượng tàu cá nằm bờ nói chung tại Bình Định như thế nào? Điều này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh tế biển của Bình Định hiện nay? Với trường hợp của ngư dân gặp khó trong Nghị định 67 hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp giải quyết nhu thế nào để hỗ trợ ngư dân?
Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (6/7) với sự tham gia của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định. Mời quý vị theo dõi video trên!
Gỡ khó để tàu cá tiếp tục vươn khơi Khoảng 40-55% trong số 91.000 tàu cá trên cả nước đang phải nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao.