Nhiều chiêu trò lừa đảo qua mạng bủa vây người dân

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 00:07:11

Có quá nhiều trò lừa đảo qua mạng nhắm đến túi tiền của người dùng điện thoại đang được kẻ xấu sử dụng, từ thủ đoạn tinh vi cho đến "bình dân".

Tin nhắn mạo danh ngân hàng vẫn tiếp tục tấn công người dùng - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Giả mạo công an điều tra, gọi điện hù dọa, quy chụp nhiều tội danh cho người dân khiến họ hoang mang và làm theo mọi yêu cầu, kẻ thủ ác trục lợi lượng tiền lớn từ những nạn nhân mới bằng chiêu trò cũ. Có người vừa bị lừa đến vài tỉ đồng.


Trò cũ, nạn nhân mới


Chị Như Quỳnh (TP.HCM) cho biết vừa bị lừa mất số tiền 2 tỉ đồng bởi tổ chức "công an điều tra" dỏm. Theo đó, kẻ xấu gọi điện cho chị và xưng danh là công an điều tra đang tìm hiểu vụ án mà chị bị tình nghi là "dính nhiều tội danh". "Họ hù dọa quy chụp với nhiều tội danh, tạo sức ép và tôi bị sập bẫy", chị Quỳnh kể lại.

Cụ thể, "công an điều tra" yêu cầu chị phải chứng minh tài khoản ngân hàng của mình hoàn toàn trong sạch, không liên quan gì đến vụ án.

Theo hướng dẫn của "công an điều tra", chị Quỳnh phải nộp vào tài khoản ngân hàng của mình số tiền 2 tỉ đồng và tải một ứng dụng được đặt tên là "thay đổi bảo mật" của "công an", rồi đăng nhập thông tin tài khoản vào đó để xác minh.


"Tôi phải đi vay mượn khắp nơi để nạp vào app theo yêu cầu. Sau đó, tôi phát hiện tài khoản của mình bị mất 2 tỉ đồng", chị Quỳnh buồn bã kể lại.


Một chiêu trò lừa đảo qua mạng "biến tướng" khác khá phổ biến thời gian gần đây là chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng. Mới đây, tài khoản ngân hàng của chị N. (đề nghị không nêu tên) bất ngờ nhận được 2 triệu đồng kèm theo thông báo: "Cho N. vay 40 ngày".


Sau đó, một tài khoản Zalo lạ kết bạn với chị N. và cho biết chị đã được một công ty tài chính "giải ngân" số tiền đã vay. Người lạ yêu cầu chị thanh toán tiền vay kèm lãi suất cắt cổ. Sau khi trả lời không vay mượn của ai nên không trả, chị N. liên tục bị người lạ kia gọi điện, nhắn tin hù dọa.

Theo cảnh báo của một số ngân hàng, đây là chiêu trò kẻ xấu yêu cầu người dùng trả số tiền đã nhận kèm theo tiền lãi dựa trên nội dung diễn giải là "cho vay" được kẻ xấu cố ý lập ra khi chuyển "nhầm" tiền.

Thủ đoạn này tuy không mới nhưng đã được nâng cấp thêm về mức độ tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin hoặc thiếu hiểu biết về quy định pháp luật của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tương tự, thời gian gần đây, nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội xuất hiện những lời mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng với "mật ngọt" dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp.


Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ , sau khi người dùng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV), hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút.

Kết quả là có khách hàng được chuyển khoản đến tài khoản cá nhân nhưng số tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ trước đó.

Hoặc có trường hợp khách hàng bị kẻ gian sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép (chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp).

Một trò lừa đảo nữa là kẻ xấu liên hệ thuê, mượn hoặc mua lại tài khoản ngân hàng (nhưng không có nhu cầu sử dụng) của người dùng với giá đến vài trăm nghìn đồng/tài khoản.

Sau đó chúng dùng các tài khoản này phục vụ giao dịch trong các hoạt động lừa đảo, đánh bạc... Người dùng vì món lợi nhỏ trước mắt nhưng có thể có nguy cơ phải đi tù vì dính líu đến các hành vi vi phạm pháp luật.


Phổ biến chiêu trò mạo danh

Nhiều ngân hàng, nhà mạng di động lẫn cơ quan công an tiếp tục lên tiếng cảnh báo chiêu trò mạo danh nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu cục, cán bộ cơ quan công an... để lừa đảo.

Phổ biến nhất là mạo danh rồi liên lạc với các chủ thuê bao điện thoại, thông báo họ có bưu phẩm liên quan đến tài khoản thẻ ngân hàng bị nợ quá hạn hoặc liên quan đến các vụ án nghiêm trọng...


Kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của họ để làm cơ sở điều tra, hứa hẹn sẽ hoàn trả nếu nguồn gốc khoản tiền không có vấn đề; hoặc kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin bảo mật qua đường link do các đối tượng này cung cấp, từ đó chiếm đoạt những khoản tiền lớn của nạn nhân.

Mặt khác nhiều ngân hàng cũng đã khuyến nghị người dùng cảnh giác chiêu thức giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại để tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến.

Những kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng nhằm yêu cầu người dùng gửi thông tin CCCD, số thẻ tín dụng và mã CVV hoặc nộp phí tham gia...


Những kẻ lừa đảo cũng có thể giả làm nhân viên mạng viễn thông gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi SIM 4G/5G miễn phí để chiếm đoạt số điện thoại. Từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử của chủ SIM.

Đối với người dùng ví điện tử, một số ngân hàng cảnh báo chiêu trò đối tượng giả mạo là nhân viên của nhà cung cấp để hỏi khách hàng các vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật để khắc phục lỗi dịch vụ.

Hoặc chúng gửi email, nhắn tin, gọi điện cho người dùng thông báo trúng thưởng hoặc được gói quà tặng có giá trị lớn. Tuy nhiên để nhận được quà, người dùng được yêu cầu phải cung cấp thông tin đăng nhập ví điện tử và sau đó bị kẻ xấu chiếm đoạt tiền.

Tương tự, theo đại diện sàn thương mại điện tử Shopee, "trò lừa đảo thông báo trúng thưởng (nước hoa, phiếu mua hàng...) qua điện thoại dưới danh nghĩa Shopee đang dần trở thành một vấn nạn đối với người dùng. Hoạt động này thường yêu cầu người mua thanh toán phí vận chuyển cho giải thưởng nhận được nhằm mục đích trục lợi cá nhân...".


Làm gì khi nghi ngờ bị lừa đảo?

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, người dùng nên nhanh chóng gọi đến tổng đài, trung tâm dịch vụ khách hàng của các đơn vị cung cấp dịch vụ để xác thực thông tin, đồng thời trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ.

Một số đường dây tổng đài ngân hàng: Sacombank (1900555588), ACB (02838247247), HDBank (19006060), Vietcombank (1900545413), MoMo (1900545441), SHB (*6688), Agribank (1900558818), MBBank (1900545426), BIDV (19009247), Vietinbank (1900558868), Nam Á (19006679)...

Xu hướng thương mại điện tử và phong trào chuyển đổi số mạnh mẽ cũng khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam phải đối đầu với tấn công mạng ngày càng nhiều hơn.

Chia sẻ Facebook