Nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng sau đột quỵ

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 09:00:54

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh, có đến 40% bệnh nhân sau đột quỵ nhập viện với nhiều biến chứng nặng nề, gây khó khăn cho công tác điều trị.


Mỗi ngày, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh đón tiếp từ 450 đến 550 bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân điều trị nội trú là do đột quỵ (tai biến mạch máu não), nhiều trường hợp biến chứng nặng sau đột quỵ do điều trị muộn, điều trị không đúng hoặc không kiên trì.

Bệnh nhân N.T.L., trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đã bị đột quỵ hơn 2 năm. Bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng liệt nửa người bên trái, lệch trục cổ chân trái, co rút nữa người bên trái tăng lên, teo cơ, cứng khớp, tắc tĩnh mạch sâu ở chân trái.

Bệnh nhân chia sẻ: "Tôi bị đột quỵ trong thời gian COVID-19 nên sau điều trị đột quỵ, tôi về nhà không đi luyện tập phục hồi chức năng. Chồng, con đi làm ăn xa nhà nên tôi ở nhà một mình. Tôi có thuê người tập tại nhà nhưng bệnh vẫn không tiến triển".

Chị T.T.L., (36 tuổi, trú xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bộc bạch: "Mẹ chồng tôi khỏe mạnh, nhưng sau một lần đột quỵ đã để lại nhiều di chứng như liệt nửa người bên phải, đi lại phụ thuộc vào xe lăn, đại tiểu tiện phụ thuộc vào người nhà. Tuy nhiên, nhà neo người, kinh tế khó khăn, nên sau khi điều trị đột quỵ, gia đình đã cho mẹ về nhà. Do nằm lâu nên các vết loét da xuất hiện".

Bệnh nhân sau đột quỵ được luyện tập phục hồi chức năng.

BSCKI. Phạm Thị Phương, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Đột quỵ là bệnh xảy ra đột ngột, dễ để lại di chứng như liệt, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức. Do đó, phục hồi chức năng từ giai đoạn cấp đối với người bệnh đột quỵ có tác động đến tính mềm dẻo của não, thúc đẩy cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm tàn tật, dự phòng sớm các biến chứng đột quỵ, phòng đột quỵ tái phát.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh, có đến gần 40% bệnh nhân sau đột quỵ nhập viện với nhiều biến chứng như: loét da do tì đè, tắc tĩnh mạch sâu ở chân, nhiễm trùng đường tiết niệu, teo cơ, cứng khớp, rối loạn thần kinh thực vật... làm cho công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.

Để giảm thiểu các biến chứng, trở lại cuộc sống bình thường thì bệnh nhân sau đột quỵ cần phải phục hồi chức năng sớm, từ 24 đến 48 giờ đầu sau đột quỵ khởi phát và phải kiên trì luyện tập. Người bệnh phải phục hồi chức năng liên tục trong thời gian ít nhất 6 tháng, tùy theo mức độ bệnh, cũng có thể kéo dài thời gian hơn, các tổn thương mới nhanh hồi phục. Tuy nhiên, phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phục hồi chức năng.

"Với những bệnh nhân phục hồi chức năng muộn hoặc phục hồi chức năng không kiên trì dẫn đến các biến chứng, thì việc điều trị chủ yếu là khắc phục những di chứng, biến chứng, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém về kinh tế, hiệu quả điều trị không cao" - bác sĩ Phương cho hay.

Áp dụng kỹ thuật từ trường xuyên sọ điều trị tai biến mạch máu não, mất ngủ cho bệnh nhân.

Để phòng bệnh đột quỵ và phòng đột quỵ tái phát, bác sĩ Phương khuyến cáo: Bệnh nhân sau đột quỵ, ngoài chế độ luyện tập phục hồi chức năng cần thay đổi lối sống: bỏ hút thuốc, ăn giảm muối; kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: huyết áp, đường máu, mỡ máu…

Đối với những người trung niên, người cao tuổi không bị các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch cần duy trì huyết áp dưới 130/85mmHg; chế độ sinh hoạt, luyện tập, làm việc hợp lý, có thời gian thư giãn, tránh căng thẳng; chế độ ăn tăng rau xanh, hoa quả chín, hạn chế ăn mặn, đồ ăn sẵn, mỡ động vật, thịt phủ tạng, rượu, bia, bỏ thuốc lá…

Với những người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ngoài các chỉ dẫn như trên, cần tuân thủ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp hàng ngày...

Chia sẻ Facebook