Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp bằng giỏi nhưng làm trái ngành, thất nghiệp
Cứ ngỡ rằng tốt nghiệp loại giỏi thì luôn được các công ty săn đón, chẳng phải lo sợ thất nghiệp. Nhưng trên thực tế, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay thì chưa chắc các em sẽ có tấm vé vàng để vượt qua các vòng tuyển dụng.
Câu chuyện ra trường thất nghiệp luôn là vấn đề đau đầu với các bạn trẻ “Cột sống” Gen Z . Vì thiếu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công việc hay kỹ năng mà nhiều người liên tục gặp chuyện không ưng ý, rồi phải nhảy việc hay đau lòng hơn là làm trái ngành, thất nghiệp trong thời gian dài.
Tốt nghiệp bằng giỏi cũng khóc
Một thực trạng đáng buồn trong xã hội ngày nay, là có một số lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn thất nghiệp và làm trái ngành. Rất nhiều câu chuyện đã từng được chia sẻ tại YAN .
Từ Hà Nội vào Sài Gòn xin việc với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trong tay, M.A. không ngờ chẳng nơi nào chịu nhận. Cuối cùng, vì khó khăn quá, A. đành xin vào bán hàng cho một cửa hàng quần áo. Sau đó, A. lại xin vào làm cho một công ty truyền thông, rồi tự ra ngoài kinh doanh riêng. Đến giờ, A. cũng không dùng đến tấm bằng loại giỏi của mình một lần nào.
Thời điểm này, người có kinh nghiệm tìm việc đã khó, sinh viên mới ra trường lại càng khó hơn gấp bội. Tốt nghiệp một trường kinh tế tại TP.Hồ Chí Minh cách đây không lâu với tấm bằng giỏi, N.H.L. sớm vấp phải "cú sốc" kiếm việc làm.
Nghỉ việc tại một nhà hàng từ tháng 3, N.H.L. bắt đầu rải CV (hồ sơ xin việc) để mong rút ngắn thời gian thất nghiệp. Ban đầu L. còn kén chọn, chỉ gửi CV vào các vị trí việc làm tại các công ty lớn với chế độ đãi ngộ tốt.
Tuy nhiên, chờ mãi không thấy phản hồi, L. chuyển hướng. Cứ thấy nơi nào tuyển nhân viên sale (bán hàng) hay những vị trí tương tự, L. đều gửi CV. Ngoài rải trực tiếp đến các công ty, L. còn rải khắp trên các trang môi giới việc làm. Cô thừa nhận, mình tốt nghiệp bằng Giỏi nhưng không có chút kinh nghiệm thực tế nào. Chưa kể, tiếng Anh cho sử dụng thực tiễn cũng bập bõm.
Hiện L. đang bán sầu riêng, măng cụt cho người chị kiếm tiền trang trải sinh hoạt trong khi chờ "chốt đơn" việc làm.
Trên khắp các diễn đàn việc làm, nhân sự, không khó để gặp những hoàn cảnh như L. đi tìm việc, gửi CV khắp nhưng không nhận được phản hồi hoặc "dở dang giữa đường" chứ không có kết quả.
Học nghề thay vì lao vào đại học một cách mông lung
Với tâm lý cố học cho cao, nhiều gia đình dốc hết tiền của cho con cái học đại học, mong muốn ra trường có việc làm, lương ổn định. Nhưng thực tế, lượng lớn sinh viên đại học không có việc làm, phải đi làm việc tay chân để có tiền trang trải cuộc sống. Sau vài ba năm, họ lãng quên mất kiến thức trong trường vì không được vận dụng vào thực tế, dẫn đến bỏ phí 4-5 năm đại học và 600-700 triệu đồng học phí.
Hơn nữa, hiện nay nhiều bạn trẻ đi học đại học cho có vì ở nhà không biết làm gì. 18 tuổi nhưng họ cũng chưa có định hướng ngành nghề mình yêu thích để trau dồi, học hỏi, đỗ được trường nào học trường đó.
Thêm vào đó, các trường đại học cũng đua mở thêm lớp, chuyên ngành một cách tràn lan, không trọng tâm chuyên sâu, tuyển sinh dễ dãi, nên chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất chỉ ở mức rất thấp. Và tất yếu hệ quả là sinh viên ra trường trình độ cũng chẳng có gì nổi bật, không xin được việc là lẽ đương nhiên.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục IRED cho biết, ở thời trước, tấm bằng cử nhân được xem là lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Nhưng bây giờ, việc vào đại học dễ dàng, giá trị tấm bằng giảm đi.
Để đáp ứng được nhu cầu thực tế, không chỉ dựa vào tấm bằng mà đòi hỏi mỗi người phải có khả năng tự học, trau dồi khả năng cho mình để trang cho mình kiến thức chuyên môn lẫn văn hóa.
Chính vì thế, giờ đây nhiều gia đình sớm định hướng cho con em học nghề thay vì lao vào đại học một cách mông lung. Học nghề chỉ mất tầm ba năm, chi phí cũng ít hơn, mà sau khi ra trường các em có nhiều cơ hội việc làm hơn là cầm một tấm bằng đại học với ngành học mơ hồ.
Tốt nghiệp đại học, sinh viên nào chẳng muốn mình có công việc với mức lương cao, có thể áp dụng những kiến thức từng học trong trường. Thế nhưng cuộc sống thật không dễ dàng.
Giá trị của những tấm bằng đại học dần trở nên thấp đi do số lượng người sở hữu ngày càng tăng. Chúng giống như tấm vé để bước vào thị trường lao động. Còn muốn tồn tại và phát triển còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác. Nhưng mọi người không nên vì vậy mà nản lòng, trong sự biến đổi của thị trường rồi cũng có lúc bạn tìm được chỗ đứng cho bản thân và công việc phù hợp.
Vậy mới thấy không phải cứ học đại học ra là nghiễm nhiên có thể tìm được một công việc ổn định với mức lương cao. Có thể kiếm được việc làm hay không ngoài bằng cấp còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của mỗi người. Dù bạn có bằng cấp cao đến đâu nhưng quá trình làm việc không tốt thì vẫn sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, ngoài các kiến thức sách vở, sinh viên cũng cần trau dồi các kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ. Chỉ có như vậy mới dễ dàng theo kịp yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!