Nhiều bạn trẻ lại lựa chọn đi chơi một mình để tìm kiếm sự thảnh thơi
Thay vì tụ tập cùng bạn bè, nhiều người trẻ đang lựa chọn làm mọi thứ một mình. Không phải vì ngại giao tiếp với mọi người, lý do mà họ đưa ra là muốn dành những khoảng thời gian để hiểu rõ bản thân, tự do, yên tĩnh cũng như làm mới các nhu cầu kết nối với xã hội.
Chọn lối sống trải nghiệm mọi thứ một mình, tâm lý chung nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là điều liên quan đến sức khoẻ tâm lý xã hội “bất ổn”. Bởi bình thường, con người sẽ ưu tiên lựa chọn những điều vui vẻ khi có ai đó bên cạnh hơn là cô độc, lẻ loi. Tuy nhiên, đi chơi một mình không thật sự cô đơn như mọi người vẫn nghĩ.
Với những ai chưa từng đi chơi một mình đều cho rằng việc này hẳn sẽ chẳng có gì hứng thú. Còn đối với những người thích tận hưởng khoảnh khắc chỉ có riêng mình, họ đều khẳng định: Một mình không phải cô đơn mà là yên ổn. Đi ăn một mình, đi chơi một mình, đi xem phim một mình... nghe thì có vẻ như chúng ta đang nói về một điều gì đấy khá buồn chán và tự kỉ. Nhưng sự thật thì “một mình” thú vị hơn bạn nghĩ nhiều.
Đã bao giờ bạn cầm điện thoại của mình lên, nhìn vào danh bạ và chẳng biết rủ ai đi chơi cùng chưa? Rất nhiều bạn trẻ đã từng gặp trường hợp này nhưng lại chẳng bao giờ dám để lộ vì sợ mọi người xung quanh nghĩ rằng “do ăn ở” nên chẳng có ai chơi cùng. Tuy nhiên, lại có một số bạn trẻ đã cực yêu thích và quen với việc được ở một mình.
Bất cứ ai trong đời cũng phải có đôi lúc “một mình”, hoặc muốn được “một mình”. “Một mình” đồng nghĩa với việc bạn có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của bản thân mà không sợ bị mất hình tượng hay bị ai đánh giá. Ban đầu có thể bạn sẽ khá ngại ngùng, thậm chí hơi tủi thân khi liên tục nhận được câu hỏi: “anh/chị đi mấy người?” hoặc bắt gặp ánh mắt ái ngại của mọi người xung quanh nhưng khi đã quen rồi, bạn sẽ vô cùng thoải mái và tự tin.
"Một mình nhưng không cô đơn"
Từng được bạn bè đánh giá là người hướng ngoại, thích tụ tập nhưng hai năm nay, mỗi khi bạn bè lên kế hoạch rủ đi chơi, mua sắm, ăn uống, Minh Hằng (25 tuổi) lại chỉ thích một mình. Trước đây, Hằng luôn có mặt lúc bạn bè cần, nhưng khi đề nghị đi chơi để giải tỏa căng thẳng Hằng thường bị bạn bè từ chối vì bận. Không hẹn được ai cô đành ở nhà vì không muốn ra ngoài một mình. Hằng nhận ra bản thân đã lệ thuộc vào người khác quá nhiều.
Thời điểm dịch bệnh là khoảng thời gian Hằng trải nghiệm lối sống một mình. Lần đầu thử xem phim, ăn uống, đi dạo một mình, ban đầu cô thấy chạnh lòng, tủi thân, có cảm giác bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt thương hại. Nhưng sau vài lần, Hằng bắt đầu thích cảm giác thú vị này và được chủ động làm mọi việc không cần chờ đợi ai.
Hoàng Nam, 30 tuổi, nhân viên sales cho biết, hằng ngày anh dành 8 tiếng để giao tiếp với khách hàng, trò chuyện với đồng nghiệp, nên buổi tối và cuối tuần Nam chỉ muốn dành cho riêng mình. Bản thân là người hướng nội nên lối sống một mình rất thích hợp với Nam.
Có điều lối sống của anh lại khiến gia đình nghi ngờ là dấu hiệu của chứng trầm cảm và yêu cầu đi kiểm tra tâm lý. Các kết quả kiểm tra của Nam đều bình thường. Anh thích lối sống này vì tự do, hạn chế những cuộc chơi vô bổ, lọc bớt mối quan hệ kém chất lượng chứ không phải muốn tách biệt với xã hội.
Còn với Lan Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cảm thấy thoải mái nhất khi làm mọi thứ một mình. Lan Anh không từ chối các cuộc vui khi được rủ, cô vốn vui vẻ khi đi chơi với bạn bè và đồng nghiệp nhưng cô hiếm khi hẹn ai đó đi chơi cùng mình. Lan Anh thường nổi hứng đi chơi bất chợt và muốn đi ngay mà ít khi lên kế hoạch trước, thế nên cô ngại rủ bạn bè vì dễ bị từ chối hoặc cảm thấy làm phiền họ.
Nhiều hôm bất chợt hứng lên Lan Anh lại chạy xe một vòng xem các shop quần áo rồi về làm tiếp. Có hôm lướt điện thoại thấy quảng cáo có phim hay, Lan Anh liền lên ứng dụng đặt vé của suất chiếu phim gần nhất rồi đi xem luôn mà không cần chờ đợi một ai.
Chuyển ra Hà Nội sinh sống hơn một năm, Lan Anh đặc biệt thích cuộc sống ở đây vì dù cô có đi đâu, làm gì một mình cũng không bị ai để ý, đánh giá. Những lúc rảnh rỗi, cô thích chạy xe máy dạo quanh thành phố mà không có điểm đến nào cụ thể. Lan Anh coi đó là một cách “chữa lành” cho bản thân. Cô nàng không thấy đi chơi một mình là cô đơn, ngược lại phải thường xuyên giao tiếp với người khác mới khiến Lan Anh áp lực.
Thực tế xu hướng đi chơi một mình không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng. Nhiều người lựa chọn đi chơi một mình không hẳn là họ đang “trốn” khỏi cuộc sống mà đơn giản họ muốn dừng lại, chậm rãi ngắm nhìn, suy ngẫm về cuộc đời, về những bộn bề xung quanh. Một mình không có nghĩa tuyệt giao hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài mà là dành thời gian yêu lấy chính mình. Thế nên một mình chứ không hề cô đơn.
Gần đây, trên mạng xã hội, Trần Quốc Việt đã có những chia sẻ vô cùng chân thành về chủ đề “Du lịch một mình”. Anh cho rằng du lịch không nhất thiết phải có người đồng hành và trải nghiệm một mình cũng thú vị không kém. Đó là cơ hội để bạn được làm quen thêm nhiều người bạn mới, là lúc bạn có thể tự “quăng” mình vào những trải nghiệm, thử thách mới mẻ. Sau mỗi một chuyến đi như thế, dù ít dù nhiều ta sẽ có thêm kinh nghiệm sống, học hỏi được nhiều thứ mà có lẽ nếu đi cùng nhóm bạn, ta sẽ ít khi ngộ ra.
Nói về quan điểm khi trải nghiệm du lịch một mình, Quốc Việt chia sẻ: “Mình thích cảm giác được trải nghiệm những điều mới mẻ, thích thử thách bản thân, khả năng tự lập khi đi xa mà không có ai bên cạnh. Tuy nhiên, không có nghĩa là mình không muốn đi cùng bạn bè. Mình luôn sẵn sàng đi cùng họ nếu sắp xếp được lịch trình phù hợp cho tất cả”.
Quốc Việt cũng đã từng đi du lịch một mình ở rất nhiều nơi. Chẳng hạn như những chuyến đi từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, Hội An, rồi đến Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, sau đó về lại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây. Mỗi một lần như vậy anh nếm trải được đủ những cung bậc cảm xúc, học thêm nhiều điều hay, thậm chí vượt qua cả những giới hạn mà lâu nay anh vẫn luôn cho rằng mình không thể.
“Hẹn hò với bản thân” dần phổ biến trên thế giới
Những năm trở lại đây, xu hướng này bùng nổ ở Nhật Bản và Hàn Quốc với tên gọi “Ohitorisama” và “Honjok”. Nếu tìm kiếm hashtag "Ohitorisama" và “Honjok” trên instagram, bạn sẽ tìm thấy hàng nghìn bức ảnh về bữa tối, buổi chiếu phim hay du lịch một mình.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc thì nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa sống “một mình”. Nhiều nước đang chứng kiến sự gia tăng các hộ gia đình một người. Theo báo cáo nghiên cứu năm 2019 của Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập có trụ sở tại London, ước tính số hộ gia đình một người trên toàn thế giới tăng 128% từ năm 2000 đến năm 2030. Đây là một con số kỷ lục chưa từng thấy.
Việt Nam cũng là nước bị ảnh hưởng bởi xu hướng sống này, đặc biệt là một số bạn trẻ. Trong một cuộc khảo sát năm 2019, Virginia Thomas, Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Wilmington phát hiện ra những thanh thiếu niên dành thời gian nhiều cho bản thân có mức độ hạnh phúc cao hơn và ít cảm thấy cô độc hơn so với những người cùng lứa tuổi.
Điều này cũng đúng với những người trẻ trong khoảng từ 18-25 tuổi, chỉ số hạnh phúc và sức khỏe tinh thần ở mức cao và sự thấu hiểu bản thân tăng lên, đồng thời mức độ trầm cảm thấp hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Phân viện Hành chính quốc gia TP HCM, khẳng định lối sống một mình của người trẻ không mới, có điều trong giai đoạn gần đây có dấu hiệu phổ biến hơn.
Dưới góc độ chuyên gia, việc một mình làm những điều bạn thích có lợi cho các mối quan hệ xã hội, cải thiện khả năng sáng tạo và sự tự tin, đồng thời giúp mỗi người điều chỉnh cảm xúc để có thể đối phó tốt hơn với các tình huống bất lợi, theo New York Times.
Tuy nhiên, số đông thường nhầm lẫn giữa việc ở một mình với sự cô đơn và coi trải nghiệm đó như một điều tiêu cực. "Vì có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng con người là sinh vật xã hội được hưởng lợi từ việc tương tác với người khác, nên số đông thường cố gắng bác bỏ rằng việc dành thời gian ở một mình cũng rất quan trọng" , Robert Coplan, nhà tâm lý học phát triển và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Carleton, phân tích.
"Trên thực tế, việc xác định ra những khoảnh khắc chúng ta cần 'cô đơn' để nạp năng lượng và suy ngẫm có thể giúp chúng ta xử lý tốt hơn những cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực, như căng thẳng và kiệt sức", nhà trị liệu tâm lý Emily Roberts cho biết.
Một mình, là một cách sống, cũng có thể hạnh phúc như bất kỳ ai. Chỉ khi ở một mình, con người mới có thể thực sự nhận ra chính mình, sau đó không ngừng nâng cao và hoàn thiện bản thân, từng bước hướng tới sự hoàn hảo. Khi còn trẻ, còn khỏe ngại gì mà không thử trải nghiệm một lần cảm giác này?
Cùng đón đọc nhiều tin tức hấp dẫn khác tại YAN nhé!
Đi chơi một mình có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn trẻ. Đầu tiên, điều này cho phép họ có thời gian riêng tư để nghỉ ngơi và thư giãn một cách đầy đủ. Thay vì phải đối mặt với các tình huống xã hội phức tạp và trách nhiệm khi đi cùng một nhóm người, họ có thể tự do thực hiện những hoạt động mà mình yêu thích và tận hưởng chuyến đi một cách thoải mái.
Đi chơi một mình có thể là một lựa chọn tốt để bạn trẻ có thể thư giãn, tìm kiếm sự độc lập. Tuy nhiên, họ cũng cần phải chú ý đến việc duy trì sự cân bằng giữa thời gian riêng tư và kết nối xã hội.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!