Nhiều bạn trẻ chấp nhận làm tự do thay vì ôm mộng tìm việc văn phòng

Chia sẻ Facebook
03/07/2023 21:28:14

Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, thay vì ôm mộng tìm việc văn phòng, nhiều người trẻ sẵn sàng làm những công việc tạm bợ như bán đồ online, livestream, shipper để sống qua ngày.


Thời sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, cuộc sống gen Z ai cũng mơ ước sau này đi làm có một công việc lý tưởng. Thế nhưng phải bước chân vào thị trường lao động, nhiều người mới nhận ra được nhận làm đã khó, chứ đừng nói đến việc đòi hỏi môi trường chuyên nghiệp hay có mức lương cao.

Kinh tế biến động, doanh nghiệp tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành giảm mạnh. Trong thời điểm suy thoái kinh tế hiện nay đã gây nên thách thức lớn cho các nhà tuyển dụng cũng như nguồn lao động. Cuộc chiến tìm việc sẽ đặc biệt khốc liệt trong năm nay.

Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm. (Ảnh minh họa: VTC)


Kinh tế khó khăn, nhu cầu tuyển dụng giảm

Nửa năm trước, Hà Minh (24 tuổi) làm nhân viên văn phòng, từ Hà Nội vào TP.HCM, tìm được công việc phù hợp, mức lương tốt và muốn gắn bó lâu dài với vùng đất phía Nam. Tuy nhiên, công việc của cô không suôn sẻ khi sếp quyết định cắt giảm nhân sự, Minh là một trong số đó.

Sau 2 tháng không tìm được việc thay thế, Minh quay về Hà Nội, mở một quầy hàng trên sàn thương mại điện tử, chuyên bán đồ trang sức thủ công. Khung giờ trưa và tối, Minh sẽ tranh thủ livestream để tăng số lượng đơn hàng. Cửa hàng trực tuyến của Minh mang lại khoảng hơn 1 triệu mỗi tuần, đủ để cô trang trải chi phí hàng ngày trong lúc tìm kiếm công việc toàn thời gian.

Đổi nghề để trang trải chi phí hàng ngày. (Ảnh minh họa: Dân Trí)


Để có tiền trang trải cho cuộc sống, nhiều cử nhân chấp nhận về làm công việc tay chân vì có thể chủ động về mặt thu nhập. Làm nghề tự do, hàng loạt việc làm linh hoạt được chia sẻ trên YAN đang được coi là một trong những giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên.

Kém may mắn hơn Minh, gần một năm qua, Hồng Thắm (26 tuổi) loay hoay tìm việc. Cô không nhớ nổi mình đã gửi hồ sơ xin việc cho bao nhiêu công ty và bị "xua tay". Trước đó, Thắm là nhân sự của một đơn vị du lịch nước ngoài trụ sở tại Hà Nội. Tháng 8/2022, cô nghỉ việc do môi trường không phù hợp. Từ đó đến nay, Thắm chưa thể tìm được công việc khác. Thắm vừa có kinh nghiệm vừa có khả năng ngoại ngữ tốt nhưng cô vẫn bị các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng với mức lương thấp.

Chán nản vì không tìm được việc làm như mong muốn. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Navigos Group - công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng, đã ghi nhận về thị trường lao động tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023.

Dịch Covid-19, theo sau đó là những biến động về kinh tế chính trị đã tác động đáng kể đến nền kinh tế và thị trường việc làm toàn cầu, Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch; và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).

Trong đó, có những ngành nghề ghi nhận nhu cầu tuyển dụng giảm đáng chú ý, ngay cả khi nền kinh tế đã bước qua 2 năm dịch bệnh.

Nhu cầu tuyển dụng một số ngành nghề sụt giảm. (Ảnh minh họa: VTC)


Cất bằng đại học làm nghề tay trái

Trong bối cảnh kinh tế và thị trường việc làm khó khăn, người trẻ trên toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều người đang phải sống dựa vào những công việc tay trái và đã tìm ra lối thoát mới.

Lạm phát và dịch bệnh đã tạo ra nhiều thách thức cho thế hệ Gen Z (từ 18 đến 26 tuổi) trên thị trường lao động châu Á - Thái Bình Dương. Một số người trong nhóm này đã trở thành "thế hệ làm thêm" do áp lực kinh tế và nhu cầu tìm kiếm thu nhập bổ sung. Từ sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, kinh doanh thương mại điện tử cho đến khai thác công nghệ, những người trẻ đang làm nhiều việc một lúc để tìm kiếm kỹ năng mới, kiếm thêm tiền và tự chủ kinh tế.

Người trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm việc làm. (Ảnh minh họa: Người Lao Động)

Nhắc đến quá trình xin việc, Phạm Chiến (24 tuổi, Hà Nội) không giấu được sự mệt mỏi. Chiến tốt nghiệp Cao đẳng nghề Bách khoa, ban đầu thích học sửa chữa ô tô vì mê công nghệ, nghĩ nghề này lương cao. Thế nhưng, thu nhập của sinh viên mới ra trường ở gara chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Để nhận lương hậu hĩnh hơn, anh phải có bằng kỹ sư, có 4 – 5 năm kinh nghiệm.

Nửa năm nay, Chiến phải gửi hàng trăm CV đến nhiều nơi để xin việc, đến nay vẫn ở con số 0. Lĩnh vực được xem là có nhu cầu cao mà lại không hề dễ xin việc. Trong thời gian chờ đợi công việc phù hợp, Chiến lại chọn giao hàng qua ứng dụng. Với mức thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày từ chở khách và ship hàng, đủ để Chiến trả tiền trọ, ăn uống, sửa xe và nuôi ước mơ học liên thông đại học.

Thất nghiệp, Chiến không dám gọi điện về nhà, bố mẹ gọi hỏi về công việc cậu thường lái sang việc khác. Chiến gặp rất nhiều người trong "đội quân xe ôm" cũng xin việc khắp nơi nhưng không có kết quả.

Lựa chọn công việc tay chân trong lúc chờ công việc tốt hơn. (Ảnh minh họa: Zingnews)

Trường hợp tương tự, anh Tuấn Anh (23 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp, quê Quảng Ninh) chia sẻ nhiều bạn học xong đại học vẫn chạy xe ôm, ship hàng công nghệ.

Thu nhập của sinh viên mới ra trường từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, muốn hưởng cao hơn thì phải có nhiều năm kinh nghiệm. Trong khi đó, nếu chở khách và ship hàng online thì thu nhập tốt. Nếu làm 8 tiếng, trung bình kiếm khoảng 350.000 – 500.000 đồng/ngày, tùy từng hôm và tip thêm của khách.

Vì lập gia đình sớm nên để trang trải cho cuộc sống, anh phải chọn chạy xe công nghệ. Tuấn Anh chỉ coi đây là công việc tạm thời. Anh muốn tìm công việc văn phòng như sales, quảng cáo… để tiếp tục nuôi ước mơ học lên thạc sĩ nhưng trong thời buổi khó khăn này, tìm việc làm ưng ý thật không hề dễ.

Công việc vất vả nhưng đủ trang trải cuộc sống. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Santor Nishizaki, một chuyên gia về lãnh đạo tổ chức tại Los Angeles (Mỹ) cho rằng Gen Z đang vào đời trong thời điểm rất khó khăn. Nhiều người đã đi làm nhưng phải nhận thêm các công việc ngoài mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt.

Gen Z cũng đang phải đối mặt với những hậu quả từ xã hội đang già hóa nhanh ở nhiều nước. Họ bị cắt giảm phúc lợi cùng với những rủi ro từ việc làm khan hiếm hơn do trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay rất nhiều thứ.

Ngày nay, giáo dục đại học ngày càng trở nên phổ biến, và một số lượng lớn người trẻ tốt nghiệp mỗi năm, nhưng thị trường việc làm không được mở rộng tương ứng. Ngược lại, do sự gia tăng của các ngành công nghiệp mới nổi và sự thu hẹp của các ngành công nghiệp truyền thống, những thay đổi về nhu cầu nghề nghiệp của một số ngành đã khiến nhiều người mất cơ hội việc làm.

Có bằng đại học vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. (Ảnh minh họa: Lao Động Thủ Đô)

Tấm bằng tốt nghiệp lẽ ra phải là sự đảm bảo cho một người hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dù có bằng đại học vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành, thậm chí phải lựa chọn làm những công việc lao động chân tay.

Chắc hẳn câu chuyện thất nghiệp vẫn luôn là vấn đề khiến nhiều bạn trẻ hiện nay phải “đau đầu”. Tốt nghiệp đại học, sinh viên nào chẳng muốn mình có công việc với mức lương cao, có thể áp dụng những kiến thức từng học trong trường. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm và tài năng để tìm kiếm một công việc vừa đúng ngành học, vừa đáp ứng được ước muốn của bản thân. Cuộc sống khắc nghiệt khiến không ít cử nhân đại học phải làm đủ nghề từ shipper, công nhân, giúp việc theo giờ, bán hàng rong,... để trang trải cuộc sống. Mỗi người sẽ có một lựa chọn nghề nghiệp riêng. Ai cũng có những câu chuyện của riêng mình, bất cứ nghề nghiệp nào trong xã hội cũng xứng đáng được trân trọng.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!

Chia sẻ Facebook