Nhiều ẩn số khi đầu tư trong năm 2023
Bên cạnh những chiến lược đầu tư hoành tráng, việc tránh bị tâm lý FUD quá mức lúc thị trường xấu sẽ giúp nhà đầu tư tỉnh táo để tận dụng cơ hội, tìm thấy những thỏi vàng lấp lánh đang bị che phủ.
Nhiều ẩn số khi đầu tư trong năm 2023
2022 - Thị trường đánh bại mọi phương pháp định giá
Nhà đầu tư đã có 1 năm vất vả sau khi trải qua thời kỳ rực rỡ năm 2020 - 2021, khiến họ vô cùng bất ngờ trước diễn biến trái ngược diễn ra rất nhanh ở năm 2022. Giá các loại tài sản trên thị trường chứng khoán, tiền số, ngoại hối, bất động sản… đều lao dốc. Thậm chí cả thị trường hàng hóa, năng lượng như dầu, giá vận tải, nguyên vật liệu… vốn được hỗ trợ bởi lạm phát hay cả tài sản được xem là an toàn như vàng cũng chỉ trụ được nửa đầu 2022 rồi cũng cắm đầu.
2022 cũng là năm chứng kiến thị trường tài chính đánh bại mọi phương pháp định giá. Tất cả các loại tài sản như chứng khoán, bất động sản, dự án… được đánh giá ở mức rẻ hôm nay lại có giá rẻ hơn vào… ngay hôm sau.
Kênh đầu tư được xem là thành công bất ngờ nhất ngay cả còn không được nhắc tới hồi năm 2021 là… gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh các tài sản khác đi xuống, lãi suất tiết kiệm lại tăng vọt, chưa kể nếu gửi bằng VNĐ lại còn được hưởng lợi khi mà so với USD thì VNĐ chỉ giảm giá nhẹ nên lại tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác như Yên Nhật, Euro, Bảng Anh…
Những thua lỗ quá lớn khiến quản trị rủi ro được nhắc đến nhiều trong năm 2022. Những nhà đầu tư, đặc biệt là lớp nhà đầu tư F0 nhận ra rằng quản trị rủi ro không chỉ cần lúc thị trường xấu mà còn quan trọng hơn ở thời điểm thị trường tốt.
Bên cạnh đó, chuẩn bị tâm lý để tránh bị FOMO như năm 2021 vẫn còn đó. Việc hào hứng quá đà rất dễ khiến nhà đầu tư đu đỉnh và sẽ khó “leo xuống” trở lại.
2023 - Khó khăn thử thách
Với dư âm còn trong năm 2022, đầu năm 2023, thị trường tài chính khó có thể diễn biến tích cực, đặc biệt trong giai đoạn tiền rẻ đã đi qua mà chưa biết bao giờ quay lại. Đây cũng là yếu tố quan trọng đầu tiên trong đầu tư khi một số nền kinh tế như Việt Nam, dù có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng thị trường tài chính, thị trường chứng khoán lại diễn biến trái chiều.
Việc đảo chiều chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng trên thế giới chưa thể diễn ra trong tương lai gần, nhất là lạm phát dù có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều nơi nhờ giá cả hàng hóa giảm nhưng vẫn còn cách rất xa so với lạm phát mục tiêu. Ví dụ, tại Mỹ hay châu Âu, lạm phát thực vẫn cao hơn mục tiêu 3-4 lần, thậm chí đang ở mức cao nhất nhiều thập niên. Điều này, khiến các ngân hàng trung ương (NHTW) chưa thể nới lỏng quan điểm thắt chặt hiện nay.
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHTW Anh (BOE) và cả NHTW Châu Âu (ECB) dù có giảm bớt mức tăng lãi suất nhưng cho biết vẫn duy trì đồng thời có thể đưa mặt bằng lãi suất còn cao hơn nữa trong năm 2023. Do vậy, thời kỳ tiền rẻ ngày càng trở nên xa vời trong khi giai đoạn tiền đắt hiện nay chưa biết bao giờ kết thúc.
Có thể thấy, với dòng tiền bị hạn chế, các dòng vốn chủ yếu được hướng đến các lĩnh vực ưu tiên, thiết yếu, hỗ trợ kinh tế và chắc chắn không phải được dùng cho các kênh có yếu tố đầu cơ cao trên thị trường tài chính. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục có một năm khó khăn trong bối cảnh nỗi lo về suy thoái vì những biện pháp dùng để chống lạm phát gây tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, từ đó tác động đến thị trường tài chính.
2023 - Ẩn số đầu tư
Trong nguy có cơ - câu nói tự trấn an thường gặp trong lúc khó khăn, đôi khi lại là cơ hội tuyệt vời và lịch sử thị trường tài chính nhiều lần minh chứng cho điều này.
Chẳng hạn chỉ số Dow Jones vào năm 2008 có lúc chỉ còn chưa đến 7,000 điểm nhưng hơn 10 năm sau đã đạt gần 37,000 điểm và con số 7,000 lúc trước chỉ còn là số lẻ. Hay như VN-Index sau cuộc khủng hoảng 2008 giảm về sát mốc 200 (cụ thể là 234 vào 2009) nhưng sau hơn 10 năm đã vượt 1,500 điểm, dĩ nhiên nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục, hàng trăm lần trong khoảng thời gian đó và những tài sản khác như bất động sản và vàng cũng lập đỉnh mới.
Hiện nhiều mã chứng khoán và nhiều loại tài sản tài chính đều chia 2-3 lần, cá biệt chia hơn 10-20 lần. Ngoại trừ những tài sản thuộc những dự án có khả năng biến mất hay phá sản thì những tài sản giá trị tốt đều bị hiện tượng FUD (sợ hãi - không chắc chắn - nghi ngờ) dìm xuống tận bùn đen. Do đó, khi chu kỳ kinh tế xán lạn quay lại cùng với việc nhà đầu tư nhận ra giá trị của những ngôi sao bị che mờ, rũ bùn đứng dậy chói lòa và khi đó trạng thái thị trường lại trở về FOMO.
Quản trị rủi ro tốt sẽ có thành tựu
Lợi nhuận chỉ có thể được tối ưu khi nhà đầu tư vượt qua được lòng tham và tránh sự sợ hãi quá mức, từ đó mới có thể “mua của người chán, bán cho người thèm”.
Để có kết quả tốt bắt buộc phải quản trị rủi ro tốt. Lúc thị trường tốt càng phải quản trị rủi ro tốt hơn thì lúc thị trường xấu mới ít ảnh hưởng xấu đến túi tiền. Nhiều nhà đầu tư thường quan niệm là chờ đến lúc thị trường xấu mới cần phải quản trị rủi ro nhưng cho đến khi thị trường chuyển biến xấu thì thường không còn cơ hội để làm điều đó nữa. Do đó, cần phải quản trị tốt rủi ro ở mọi thời điểm.
Nửa đầu năm 2023, thị trường tài chính có thể vẫn xấu, nhưng cơ hội sẽ rõ ràng hơn dù lợi nhuận sẽ không đến ngay lập tức. Thành quả sẽ đến với những nhà đầu tư đủ kiên trì và không bị hiện tượng FUD làm chao đảo che mất lý trí, khiến họ không dám hành động hoặc hành động sai do nóng vội.
Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank Vietnam