Nhiệt độ ấm lên, đợt rét đậm rét hại sẽ đến muộn ở miền Bắc

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 13:27:57

Đợt rét đậm đầu tiên trong mùa Đông năm nay khả năng xảy ra vào cuối tháng 12/2022, những đợt rét đậm rét hại tập trung vào tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023


Mùa Đông đang ngày càng có xu hướng ấm lên

Những ngày vừa qua, tuy đã vào tiết lập Đông và đang ở thời điểm cuối tháng 11, nhưng nền nhiệt tại các tỉnh miền Bắc vẫn như mùa Thu, nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất từ 20 - 25 độ C, cao nhất có nơi trên 30 độ C. Thời tiết ấm giữa mùa Đông tại miền Bắc khiến người dân cảm thấy nóng, thậm chí nhiều người phải mặc áo ngắn tay khi ra đường.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, mùa Đông đang ấm dần lên, thống kê từ 1958 đến nay nhiệt độ đang có xu hướng tăng cao hơn 0,89 độ C và tất cả các tháng mùa Đông trong những mùa gần đây nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm.

“Trong tương lai nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1 độ C, mặc dù chúng ta đang giảm tất cả các loại rác thải trong giữa thế kỷ XXI. Theo kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán thì khoảng giữa thế kỷ XXI, nhiệt độ cả nước sẽ tăng lên từ 1,2-1,6 độ C. Với kịch bản này thì mùa Đông ngày càng ấm lên, ít rét đậm rét hại. Mặc dù vậy vẫn có hiện tượng thời tiết cực đoan như là rét đậm rét hại như năm 2008, mưa tuyết kỷ lục trong năm 2016 hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, hiện nay mùa Đông không chỉ đến muộn, mà còn có xu hướng ấm lên do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, 2016 được xem là năm ấm nhất với nền nhiệt mùa đông cao hơn 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Các năm 2018, 2019, 2020 nằm trong danh sách 5 năm có mùa đông ấm nhất trong giai đoạn 1986 đến 2020. Số ngày rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C và số ngày rét hại với nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C cũng giảm rõ rệt.

Ở nước ta, theo thống kê gần 60 năm trở lại đây, số lượng các đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống ngày càng giảm mạnh. Thông thường, mỗi năm có 29-30 đợt không khí lạnh đi xuống nhưng 10 năm trở lại đây đã giảm còn 25 đợt. Đặc biệt, từ năm 2019, còn 17 đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống nước ta.


Bao giờ miền Bắc đón đợt rét đậm đầu tiên?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 23/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Gió trong đất liền mạnh cấp 2-3.

Từ đêm 22/11 đến ngày 24/11, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, riêng khu vực đồng bằng và ven biển có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to.

Từ ngày 23/11 đến ngày 25/11, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ trời lạnh, từ đêm 23/11 vùng núi trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 16-19 độ C; khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ từ 19-21 độ C.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, đợt rét đậm đầu tiên năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12. Các ngày rét đậm, rét hại sẽ tập trung trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023 và cao điểm rét đậm là tháng 1/2023.

"Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina - hiện tượng này là ít gặp, thường chỉ có chu kỳ 2 năm. Không khí lạnh trong mùa đông 2022 - 2023 hoạt động ở mức tương đương với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, theo tính toán trung bình của cơ quan khí tượng, mùa Đông năm nay, nền nhiệt toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định.

Chia sẻ Facebook