Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cán đích lợi nhuận sớm, cổ phiếu vẫn loanh quanh vùng đáy 28 tháng
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HND ghi nhận doanh thu đạt 8.273 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 608 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 215% so với cùng kỳ qua đó về đích sớm sau 9 tháng.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu 3.070 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 1,6% lên 3,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 106 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, HND lãi trước thuế 42 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 41 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm 30/9, tổng tài sản của HND đã tăng 6,6% so với đầu năm lên mức 9.279 tỷ đồng trong đó tài sản dài hạn và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất lần lượt 55% và 39%. Số dư nợ vay tài chính còn gần 1.600 tỷ đồng, giảm 370 tỷ đồng so với đầu kỳ chủ yếu đến từ nợ vay dài hạn.
Trong một báo cáo cập nhật ngành điện, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của HND năm 2022 có thể đạt 542 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ tăng 7% lên 7,1 tỷ kwh, sản lượng hợp đồng tăng 2% đạt 5,4 tỷ kwh và giá CGM tăng 25-30% trong khi chi phí lãi vay giảm 23% so với cùng kỳ. Theo SSI Research, dự nợ giảm giúp HND tránh được phần nào tác động từ việc lãi suất tăng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, trái với kết quả kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu HND trên thị trường lại diễn biến không mấy khả qua thời gian gần đây. Sau nhịp giảm mạnh từ tuần cuối tháng 9, cổ phiếu này có thời điểm đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Dù đã hồi nhẹ nhưng HND vẫn đang giao dịch gần vùng đáy 28 tháng với thị giá dao động quanh 14.000 đồng/cổ phiếu.
Vốn hóa thị trường tương ứng hơn 8.000 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm 2022. Con số này vẫn khả quan hơn so với mức giảm gần 30% của VN-Index từ đầu năm. Điều này cho thấy HND phần nào vẫn khỏe hơn thị trường chung. Theo Agriseco, trong giai đoạn lạm phát cùng với những bất ổn địa chính trị như hiện nay, các ngành có tính phòng thủ cao như Điện, Nước, Dược phẩm,... có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua do lạm phát tăng cao sẽ là điểm đến an toàn.