Nhảy múa đến chết - dịch bệnh kỳ quái nhất trong lịch sử

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 04:47:38

Vào mùa hè năm 1518, một bệnh dịch kỳ lạ ở thành phố Strasbourg ngày nay thuộc Pháp đã khiến hàng trăm người nhảy múa không kiểm soát trong nhiều tuần liên tục cho đến khi chết vì kiệt sức.

Dịch bệnh kỳ quái đã khiến nhiều người chết chỉ vì không thể dừng được vận động cơ thể trong nhiều ngày, nhiều tuần. Ảnh: Wikimedia Commons


Vào ngày 14/7/1518, một phụ nữ tên là Frau Troffea sống ở Strasbourg ra khỏi nhà và bắt đầu nhảy múa. Cô cứ vừa đi vừa nhảy nhót như vậy trong nhiều giờ cho đến khi gục xuống, mồ hôi đầm đìa, người co giật trên mặt đất.


Như thể trong cơn mê, hôm sau, rồi hôm sau nữa Troffea vẫn cứ liên tục nhảy múa, không thể dừng lại. Lạ là rất nhanh, những người khác bắt đầu “lây” chứng nhảy múa của cô và cũng đổ ra đường nhảy nhót không dừng được trong khoảng 2 tháng. Số người mắc bệnh nhảy múa lên tới 400 người dân địa phương.


Không ai biết điều gì đã khiến người dân thị trấn cứ tự dưng nhảy múa trái với ý muốn của họ, hoặc tại sao chứng nhảy múa không kiểm soát đó lại tồn tại lâu như vậy, để rồi cuối cùng có tới 100 người chết. Các nhà sử học đã gọi sự kiện kỳ lạ này là dịch nhảy múa và mãi 500 năm sau nó vẫn để lại những bí ẩn.


Mặc dù hồ sơ lịch sử về bệnh dịch nhảy múa (còn được gọi là "chứng cuồng nhảy múa") không rõ ràng, nhưng các báo cáo còn để lại vẫn cho chúng ta biết phần nào về dịch bệnh lạ lùng này.

Sau khi dịch nhảy múa bắt đầu bằng cuộc marathon vận động cuồng nhiệt nhưng không hề vui vẻ của Frau Troffea, cơ thể cô cuối cùng cũng không chống chịu nổi với tình trạng kiệt sức nghiêm trọng. Nạn nhân thường chìm vào giấc ngủ sâu. Nhưng khi thức dậy, Troffea lại bắt đầu chu kỳ nhảy múa điên cuồng trước sự hoang mang của người thân. Cơ thể cô đầy chỗ bầm tím, rớm máu vì ngã khuỵu khi vận động.

Không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích hợp lý nào, đám đông những người chứng kiến ​​màn nhảy múa của Troffea nghi ngờ đó là tác động của ma quỷ. Họ nói rằng cô mang tội lỗi và không thể chống lại sức mạnh của ác quỷ đã chiếm quyền kiểm soát cơ thể mình.

Một bản khắc năm 1642 của Hendrik Hondius, dựa trên bản vẽ năm 1564 của Peter Breughel mô tả những người bị bệnh nhảy múa ở Molenbeek. Ảnh: Wikimedia Commons

Sau nhiều ngày không ngừng nhảy múa và không có lời giải thích nào cho sự mất kiểm soát cơ thể của mình, Troffea được người dân địa phương đưa đến một ngôi đền nằm trên dãy núi Vosges, nơi cô phải hành lễ để chuộc tội.

Nhưng chứng nhảy múa kỳ quái không dừng lại ở Troffea. Nó nhanh chóng lan ra khắp thành phố. Ban đầu khoảng 30 người bắt đầu nhảy múa không mệt mỏi ở cả nhà riêng và nơi công cộng, giống y như những gì Troffea đã làm.

Cuối cùng, có tới 400 người nhảy múa điên cuồng trên đường phố vào lúc cao điểm của bệnh dịch này. Tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát trong suốt khoảng 2 tháng đã khiến nhiều người bỏ mạng vì đau tim, đột quỵ và kiệt sức. Có thông tin nói rằng vào lúc đỉnh điểm có tới 15 người chết mỗi ngày. Tính tổng cộng, có khoảng 100 người đã thiệt mạng trong cơn say của cơ thể.

Tuy nhiên, những người hoài nghi về câu chuyện kỳ ​​quặc này đã đặt câu hỏi là làm thế nào mà mọi người có thể nhảy múa gần như liên tục trong nhiều tuần liền.

Để điều tra tính xác thực của bệnh dịch nhảy múa năm 1518, các nhà sử học hiện đại đã tìm kiếm và phân loại các thông tin. Họ cho rằng có đủ tài liệu chứng thực rằng dịch bệnh kỳ lạ đã thực sự xảy ra.

Các chuyên gia lần đầu phát hiện ra dịch bệnh này nhờ các ghi chép của một bác sĩ thời trung cổ là Paracelsu, đến Strasbourg sau khi dịch xảy ra. Hồ sơ khá phong phú về bệnh dịch nhảy múa cũng xuất hiện trong kho lưu trữ của thành phố, trong đó có đoạn ghi: “Gần đây có một dịch bệnh lạ xảy ra trong dân gian. Nhiều người trong cơn điên loạn bắt đầu nhảy múa. Họ cứ nhảy cả ngày lẫn đêm, không gián đoạn, cho đến khi bất tỉnh. Nhiều người đã chết vì nó”.

Bác sĩ thời Trung cổ Paracelsus từng nghiên cứu về dịch bệnh nhảy múa năm 1518. Ảnh: Wikimedia Commons

Một biên niên sử do kiến ​​trúc sư Daniel Specklin ghi lại còn trong kho lưu trữ của thành phố Strasbourg cũng mô tả diễn biến của dịch bệnh: "Trong cơn điên loạn, mọi người cứ liên tục nhảy múa cho đến khi họ bất tỉnh và nhiều người đã chết."

Ban đầu trong một nỗ lực sai lầm để cứu chữa cho người dân bị dịch nhảy múa, hội đồng thành phố đã áp đặt một giải pháp “dĩ độc trị độc”: Họ khuyến khích các nạn nhân tiếp tục nhảy nhót đến khi chán và mệt không thể nhảy nữa. Hội đồng còn cung cấp các hội quán để người dân nhảy múa, tuyển các nhạc sĩ đệm đàn.

Nhưng sau khi hiểu rõ rằng bệnh dịch nhảy múa sẽ không sớm kết thúc, hội đồng thành phố đã đảo ngược cách tiếp cận. Họ quyết định rằng những người nhiễm bệnh phải được đưa lên ngôi đền để chuộc tội. Hoạt động nhảy múa, chơi nhạc bị cấm ở nơi công cộng.

Theo các tài liệu của thành phố, những “vũ công mê sảng” cuối cùng đã được đưa đến một ngôi đền thờ Thánh Vitus nằm trong hang động trên ngọn đồi ở thị trấn Saverne gần đó. Ở đó, bàn chân đẫm máu của họ được xỏ một đôi giày đỏ, rồi đi xung quanh bức tượng gỗ tạc Thánh Vitus.

Thật kỳ diệu, màn khiêu vũ điên cuồng cuối cùng cũng kết thúc sau vài tuần. Nhưng nguyên nhân của nó và giải pháp nào đã giúp kết thúc cơn cuồng say khiêu vũ thì vẫn là điều bí ẩn.

Mãi 5 thế kỷ sau, các nhà sử học vẫn không thể chắc chắn điều gì đã gây ra bệnh dịch nhảy múa năm 1518. Các giải thích thời hiện đại khác nhau cho rằng người dân có thể chịu tác động của một loại nấm mốc hướng thần, được gọi là ergot, mọc trên thân cây lúa mạch đen ở chỗ ẩm ướt và có thể sản sinh ra một chất hóa học tương tự như thuốc gây ảo giác LSD.

Những người theo giả thuyết này cho rằng nấm mốc ergot gây ra ảo giác, co thắt và giảm mạnh nguồn cung cấp máu.

Tranh vẽ mô tả người nhảy múa trong dịch bệnh kỳ lạ năm 1518. Ảnh: Wikimedia Commons

Đưa ra một giả thuyết khác, nhà sử học John Waller cho rằng bệnh dịch nhảy múa chỉ đơn giản là một triệu chứng của chứng cuồng loạn hàng loạt thời Trung cổ. Ông Waller tin rằng chứng bệnh này xuất phát từ những điều kiện sống khủng khiếp ở Strasbourg vào thời điểm đó: nghèo khổ cùng cực, bệnh tật và đói kém khiến người dân nhảy múa vì chứng loạn thần do căng thẳng.

Ông cho rằng chứng rối loạn tâm thần tập thể này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi những niềm tin siêu nhiên phổ biến thời đó, như truyền thuyết về Thánh Vitus. Những bằng chứng về bệnh cuồng khiêu vũ đều bắt nguồn từ các thị trấn gần sông Rhine, nơi truyền thuyết về Thánh Vitus rất phổ biến, trong đó có truyền thuyết cho rằng khi nổi giận, vị Thánh sẽ phạt người nào đó nhảy múa điên cuồng.

Nhà sử học John Waller tin rằng bệnh nhảy múa và các dịch bệnh tương tự trong thời Trung cổ là do chứng cuồng loạn hàng loạt. Ảnh: Wikimedia Commons

“Nếu chứng cuồng khiêu vũ thực sự là một trường hợp mắc bệnh tâm thần hàng loạt, chúng ta cũng có thể hiểu tại sao nó lại nhấn chìm nhiều người như vậy: rất ít hành động có lợi cho việc kích hoạt một dịch bệnh tâm thần toàn diện hơn quyết định của hội đồng thành phố khi đưa các vũ công vào cuộc", ông Waller viết trên tờ The Guardian.

Nếu giả thuyết của Waller về căn bệnh tâm thần hàng loạt thực sự lý giải được về bệnh dịch nhảy múa, thì đó là một ví dụ điển hình và đáng sợ về cách trí óc và cơ thể con người có thể phối hợp với nhau để tạo ra sự hỗn loạn.

Trái ngược với Sahara, sa mạc kỳ dị có cá sống được trong cát: Nguyên nhân là do đâu?

Chia sẻ Facebook