Nhật duyệt chế tài mới áp lên Nga, phong tỏa tài sản hai con gái TT Putin

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 12:09:49

Tính từ khi Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine hôm 24/2, Nhật Bản đã chế tài tổng cộng 499 công dân Nga.

Nội các Nhật Bản hôm 12/4 đã đồng ý phong tỏa tài sản của 398 người Nga, trong đó có hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vòng chế tài mới bao gồm phong tỏa tài sản của hai con gái ông Putin là bà Maria Vorontsova và bà Katerina Tikhonova, cũng như tài sản của phu nhân của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Như vậy, tính từ khi Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine hôm 24/2, Nhật Bản đã chế tài tổng cộng 499 công dân Nga.


Ngoài ra, Nhật Bản sẽ áp chế tài lên thêm 28 tổ chức và 2 ngân hàng Nga, Sberbank và Alfa-Bank. Các biện pháp trừng phạt mới áp lên các tổ chức và ngân hàng Nga này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/5, theo Kyodo News .


Embed from Getty Images


Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho hay: “ Vì để ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang thêm nữa, và để hiện thực hóa một thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể, cũng như để kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine, nên đất nước chúng tôi phải áp đặt các chế tài cứng rắn lên Moscow, đồng thời hợp tác với cộng đồng quốc tế ”.

Nhật Bản cũng đã quyết định cấm nhập khẩu các loại đồ uống có cồn của Nga, trong đó có rượu vodka, cũng như cấm nhập máy móc và các sản phẩm làm từ ván xẻ. Lệnh cấm nhập khẩu này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/4 và nâng tổng cộng số mặt hàng Nhật Bản cấm nhập khẩu từ Nga lên 38.


Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa cấm nhập khẩu than của Nga. Bình luận về vấn đề nhập khẩu than của Nga, Bộ trưởng Công nghiệp Koichi Hagiuda nói rằng Nhật Bản “ sẽ đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu điện cho mùa hè và mùa đông, cũng như ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ”.

Ông Hagiuda trước đó từng nói rằng Nhật Bản sẽ tìm mặt hàng thay thế để giảm phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu từ Nga và coi việc cắt giảm nhập khẩu đó là biện pháp chế tài Moscow. Năm 2021, lượng than nhập từ Nga chiếm 11% tổng lượng than Nhật Bản nhập khẩu.


Hôm 23/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Tokyo sẽ không rút lui khỏi dự án Khí hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 ở vùng Cực Đông của Nga. Ông nói rằng dự án này là “ cực kỳ quan trọng ” đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản.

Hai công ty Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản lần lượt nắm giữ 12,5% và 10,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2. Trong khi đó, tập đoàn nhà nước Nga Gazprom PJSC chiếm 50% cổ phần. Shell có 27,5% cổ phần trong dự án Sakhalin-2, nhưng tập đoàn này đã rút khỏi dự án để đáp trả việc Nga phát động tấn công xâm lược Ukraine.

Nhật Bản cho đến nay đã áp lên Nga hàng loạt các biện pháp chế tài, gồm cả các lệnh trừng phạt nhắm vào Tổng thống Putin và các lãnh đạo cao cấp khác trong chính phủ Nga. Nhật cũng hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng của Nga và cấm các ngân hàng Nga tham gia vào mạng lưới liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Thủ tướng Kishida hôm 4/3 nói rằng để hỗ trợ Ukraine, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Kyiv khí tài phòng vệ, chẳng hạn như áo giáp chống đạn và mũ bảo hiểm. Ông cũng hứa sẽ chấp nhận người tị nạn Ukraine ngay cả khi họ không có người thân đang sống tại Nhật Bản.


Đáp trả, Nga đã liệt Nhật Bản vào danh sách “ các quốc gia không thân thiện ” và đình chỉ các cuộc đối thoại về hiệp định hòa bình với Nhật.


Hải Đăng (Theo The Epoch Times)

Nhật Bản phản đối Nga dừng đàm phán hiệp định hòa bình Thế chiến II

Nga và Nhật vẫn chưa chính thức kết thúc tình trạng thù địch thời Thế chiến II do tranh chấp về quần đảo nằm ở phía cực bắc của đảo Hokkaido.

Chia sẻ Facebook