Nhật Bản xem xét hiệu quả kinh tế và tác động đối với môi trường - xã hội bằng chỉ số GDP xanh
Nhật Bản đang xem xét áp dụng tiêu chí mới GDP xanh thay cho khái niệm GDP truyền thống để đánh giá tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Nguyên nhân vì chỉ số này được cho là không đánh giá được quá trình sản xuất có mang tính bền vững hay không. Do đó, Nhật Bản xem xét áp dụng tiêu chí mới là GDP xanh.
Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm tính toán GDP xanh, một cách tiếp cận mới nhằm đánh giá GDP trên cả phương diện hiệu quả kinh tế và tác động đối với môi trường, xã hội.
Theo báo Nikkei , GDP là chỉ số để đo lường quy mô kinh tế và xu hướng kinh tế của một quốc gia, không phản ánh tác động môi trường của các hoạt động kinh tế như phát thải khí nhà kính. Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm tính toán chỉ số mới - chỉ số GDP xanh. Chỉ số này sẽ cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế dựa trên gánh nặng đối với môi trường.
Báo Sankei cho biết, chỉ số GDP xanh này dựa trên tính toán nếu lượng khí thải giảm, tức là tăng trưởng kinh tế không tạo ra gánh nặng cho môi trường, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ được cộng thêm. Ngược lại, lượng khí thải tăng lên thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ bị trừ đi. Để dễ tính toán, Nhật Bản cũng đưa ra sáng kiến về quy đổi khối lượng lượng khí thải thành một lượng tiền nhất định.
Theo cách tính toán với chỉ số GDP xanh, các biện pháp cắt giảm khí thải của Nhật Bản đã mang lại hiệu quả. (Ảnh: Indiatimes.com)
Tính toán thử theo chỉ số GDP xanh, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản còn lớn hơn so với sử dụng tiêu chí GDP thông thường. Đây là tín hiệu tích cực cho nỗ lực cắt giảm khí thải nhiều năm qua của nước này.
Hãng thông tấn JiJi cho biết, nếu áp dụng tính toán GDP xanh trong giai đoạn 1995 - 2020, GDP trung bình của Nhật Bản sẽ là 1,04%, cao hơn 0,47% so với GDP thông thường được đưa ra trước đó. Hãng thông tấn này đánh giá, những tín hiệu tích cực khi áp dụng tính toán với chỉ số GDP xanh cho thấy, các biện pháp cắt giảm khí thải của Nhật Bản đã mang lại hiệu quả. Đây là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực cắt giảm khí thải, hướng tới mục tiêu khí thải bằng 0 vào năm 2050.
GDP xanh được xem là thước đo đánh giá sự phát triển bền vững, phản ánh tương quan chặt chẽ giữa hoạt động kinh tế và tác động môi trường. Sau quá trình thử nghiệm, Nhật Bản sẽ xem xét sử dụng tiêu chí này để đánh giá tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Long Nguyễn