Nhật Bản tìm ra cách hiệu quả để kích hoạt khả năng miễn dịch chống ung thư

Chia sẻ Facebook
05/11/2022 09:28:13

Sơ đồ về phương pháp kích hoạt các tế bào miễn dịch chống ung thư bằng cách sử dụng các liposome được nhóm nghiên cứu Nhật Bản phát triển (Ảnh: PHYSORG)


Theo hãng thông tấn Jiji Press, một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường Kỹ thuật sau đại học thuộc Đại học Osaka Metropolitan đã công bố phát triển thành công một thành phần vắc xin có khả năng kích hoạt các tế bào miễn dịch chống ung thư , ngay cả chỉ sử dụng một lượng nhỏ kháng nguyên ung thư.


Trong phương pháp này, các nhà khoa học thuộc Đại học thành phố Osaka đã sử dụng các liposome (những túi hình cầu được tạo thành từ cholesterol và các phân tử sinh học phospholipid tự nhiên không độc hại) dựa trên các phân tử lipid có kích thước nano để đưa các kháng nguyên ung thư đến các tế bào đuôi gai có chức năng như trung tâm điều khiển của hệ thống miễn dịch. Họ đã tạo ra một liposome tích hợp một loại lipid có tác dụng kích hoạt các tế bào miễn dịch và liposome này có khả năng bám vào các tế bào đuôi gai một cách dễ dàng.

Theo nhóm nghiên cứu, nhờ những liposome này, chỉ cần sử dụng 10% lượng kháng nguyên ung thư cần thiết trong các phương pháp trước đây là đủ để ngăn chặn ung thư phát triển ở những con chuột được cấy ghép tế bào ung thư.


Phó giáo sư Eiji Yuba - người hướng dẫn nhóm nghiên cứu - cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các thành phần mang kháng nguyên có thể được sử dụng trong liệu pháp điều trị bệnh ung thư và các loại vaccine trị các bệnh truyền nhiễm bằng cách kết hợp chúng với các kháng nguyên hiện có".

Nếu công nghệ này được đưa vào sử dụng trong thực tế, nó có thể mở rộng các đối tượng mắc bệnh ung thư được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch - một phương pháp điều trị ung thư sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân đó, nhưng hiện chỉ phát huy hiệu quả đối với khoảng 20 - 30% bệnh nhân.

Chia sẻ Facebook