Nhật Bản tăng cường biện pháp chống rửa tiền
Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua các dự luật mới nhằm kiểm soát giao dịch tiền tệ để ngăn chặn rửa tiền và các hoạt động tài trợ cho khủng bố.
Trong các dự luật này, ngoài áp dụng đối với tiền mặt sẽ bổ sung các quy định kiểm soát liên quan đến các tiền điện tử hay các tài sản mã hóa.
Nhật Bản là nước được xếp thấp thứ hai trong thang điểm 4 bậc về hiệu quả chống rửa tiền , do đó Chính phủ Nhật Bản đã thông qua nhiều dự luật để cải thiện tình trạng này, nâng cao uy tín cho các tổ chức tài chính trong nước
Theo đó, có 6 dự luật được Nhật Bản thông qua nhằm tăng cường các biện pháp chống rửa tiền bao gồm luật chống chuyển tiền liên quan đến hoạt động phi pháp, luật thương mại - ngoại thương và luật đóng băng tài sản của các tổ chức khủng bố quốc tế.
Các dự luật này sẽ bổ sung quy định bắt buộc các tổ chức tài chính theo dõi và chia sẻ thông tin khách hàng liên quan đến các giao dịch tiền điện tử, các tài sản mã hóa và "stablecoin" - một loại tiền ảo có giá trị được liên kết với các loại tiền pháp định như USD hay đồng Euro.
Trước khi thông qua các dự luật này, lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế cho rằng các biện pháp của Nhật Bản hiện nay là không phù hợp, nếu không cải thiện Nhật Bản có khả năng sẽ bị đưa vào nhóm các nước cần tăng cường theo dõi.
Trên thực tế, nếu như luật của Nhật Bản không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế thì các hoạt động của các doanh nghiệp từ Nhật Bản sẽ gặp trở ngại. Chẳng hạn giao dịch với các nước ở nước ngoài sẽ lâu hơn do cần phải thực hiện thêm các bước xác minh.
Cùng với các dự luật tăng cường biện pháp chống rửa tiền, Nhật Bản cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát như sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích, phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Các ngân hàng lớn và ngân hàng khu vực đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các giao dịch bị nghi ngờ rửa tiền. Hệ thống giám sát theo dõi mọi giao dịch, nếu có giao dịch đáng ngờ vượt quá tiêu chuẩn về số lượng giao dịch hay lượng tiền giao dịch sẽ phát ra cảnh bảo, nhưng để mang lại hiệu quả thì phải tăng cường sự liên kết giữa các ngân hàng.
Hiệp hội ngân hàng Nhật Bản cho biết, các biện pháp giám sát cần thực hiện đồng bộ bởi các ngân hàng vì nếu một ngân hàng đang thực hiện các biện pháp hiệu quả, nhưng ngân hàng khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn chung thì có thể xuất hiện lỗ hổng để các tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hành động phi pháp.