Nhật Bản nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 8
Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức thông qua văn bản hướng dẫn mới về việc ứng phó với dịch COVID-19.
Đây là nỗ lực mới nhất của nước này nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 8, được cho là nghiêm trọng hơn so với làn sóng trước đó.
Theo văn bản trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân chia mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 thành 4 cấp độ dựa trên tác động tới hệ thống y tế. Cụ thể với cấp độ 3, khi các dịch vụ y tế ngoại trú bị quá tải, Thống đốc tỉnh, thành phố sẽ được phép yêu cầu người dân hạn chế đi ăn ở ngoài theo nhóm lớn và hạn chế tham gia các sự kiện đông người.
Đối với cấp độ 4 - mức nghiêm trọng nhất, là toàn bộ hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, thì có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế.
Thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 8 của dịch COVID-19. Ngày 20/11, Nhật Bản ghi nhận thêm 76.938 ca mới, tăng khoảng 8.500 ca so với một tuần trước đó, và 57 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Riêng tại thủ đô Tokyo, số ca nhiễm mới tăng 855 ca lên 7.777 ca. Theo ước tính của các chuyên gia, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, số ca mắc COVID-19 bình quân ở Tokyo có thể chạm ngưỡng 12.300 ca/ngày vào cuối tháng này. Trước tình hình đó, ngày 17/11, chính quyền thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo về dịch COVID-19 lên mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo 4 độ. Đây là lần đầu tiên thành phố này nâng mức độ cảnh báo lên cấp 2 kể từ ngày 6/10.
Tuy nhiên, điều khiến giới chức y tế Nhật Bản quan ngại là làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 có thể xảy ra trùng với đợt bùng phát của dịch cúm mùa, nhất là khi số người có khả năng miễn nhiễm với bệnh cúm đã giảm sau hai mùa không có đợt bùng phát nào. Theo thống kê của Bộ Y tế, nước này ghi nhận khoảng 12,1 triệu ca mắc trong mùa cúm 2018 và 7,29 triệu ca trong mùa cúm 2019.
Nhật Bản áp dụng chính sách mới đối phó với COVID-19 Từ ngày 18/11, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chính sách mới để đối phó linh hoạt hơn đối với dịch bệnh COVID-19.