Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy du lịch khi đồng yên suy yếu
Việc đồng yên đã mất giá nhanh chóng trong những tuần gần đây, đạt mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua, được xem là dấu hiệu tích cực cho lĩnh vực du lịch.
Mới đây, Nhật Bản nới lỏng thêm các biện pháp kiểm soát biên giới, đồng thời tăng mức trần đón khách du lịch nội địa hàng ngày từ 20.000 người lên 50.000 người. Các yêu cầu đối với du khách và cư dân về xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành cũng được bãi bỏ như một phần của kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Theo Giám đốc điều hành Koji Masumura của Japan Airlines, lượng đặt chỗ đã tăng lên kể từ khi chính sách nới lỏng được ban hành vào tháng trước, đặc biệt đối với các du khách đến từ Singapore. Khoảng 68% người Singapore từ 16 đến 24 tuổi cho biết họ đang cân nhắc đến Nhật Bản cho “kỳ nghỉ tiếp theo”, so với 37% những người trong độ tuổi từ 55.
Theo Wanping Aw, Giám đốc điều hành công ty du lịch Tokudaw có trụ sở tại Tokyo, doanh thu chung đã chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ ngay sau khi Nhật Bản mở cửa trở lại biên giới vào tháng 6, với 50% yêu cầu đặt phòng đến từ Singapore. Mùa xuân và mùa đông là hai “mùa cao điểm” được đặc biệt yêu thích.
“Họ rất thích hoa anh đào và tuyết”, Wanping Aw nói.
“Nước Nhật đã dành hàng trăm năm để trồng hàng chục nghìn cây hoa anh đào trên khắp cả nước và tổ chức những tuần lễ hội sôi động. Ngắm mãi hoa anh đào nở tôi cũng không chán đâu", Alex Ng, một du khách đến từ Singapore nói, đồng thời nhận xét sự an toàn, sạch sẽ và chuyên nghiệp của Nhật Bản cũng giống như Singapore.
Được biết đồng yên đã mất giá nhanh chóng trong những tuần gần đây, đạt mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua. Bên cạnh những lo ngại xoay quanh "động thái một chiều" của tiền tệ, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho rằng sự suy yếu này có thể là dấu hiệu tích cực cho lĩnh vực du lịch. Thống đốc Yuriko Koike cũng chia sẻ với tờ Bloomberg rằng Nhật Bản nên tận dụng lợi thế từ việc đồng yên lao dốc để thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài.
“Du lịch là một ngành công nghiệp lớn ở Tokyo cũng như ở Nhật Bản, vì vậy đây chính là thời điểm quan trọng để chào đón thêm nhiều khách du lịch nước ngoài hơn bằng cách tận dụng đà giảm giá của đồng yên”, bà Yuriko Koike nhận định.
Dù Nhật Bản đã nâng giới hạn nhập cảnh lên 50.000 người/ngày, đồng thời bãi bỏ các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt, du khách đến đây vẫn phải đăng ký với các công ty du lịch được Nhật Bản cấp phép trước khi nộp đơn xin thị thực tại các đại sứ quán và lãnh sự quán. Thời điểm Nhật Bản mở cửa hoàn toàn cho du khách vẫn đang là dấu hỏi.
Việc không đủ điều kiện miễn thị thực cho các doanh nhân và khách du lịch được cho là có thể khiến Nhật Bản khó phục hồi nền kinh tế. Nhật Bản chính thức đón khách du lịch trở lại vào tháng 6 sau 2 năm đại dịch, song chỉ có khoảng 8.000 du khách đến đây trong suốt tháng 7. Con số này kém xa so với hơn 80.000 du khách mỗi ngày thời điểm trước đại dịch. Năm ngoái, Nhật Bản cũng chỉ đón khoảng 246.000 du khách nước ngoài so với con số kỷ lục 31,9 triệu vào năm 2019.
“Chúng tôi khá mừng khi đồng yên suy yếu, nhưng khách du lịch nước ngoài vẫn phải xin thị thực", đại diện phát ngôn của Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản nói.
Trong giai đoạn 2013 - 2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã liên tục phá đỉnh và đạt mức cao nhất là 31,9 triệu lượt khách vào năm 2019. Trước đại dịch, nước này cũng đã miễn thị thực với gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước láng giềng châu Á.
Theo: Bloomberg
NSND Tự Long: "Anh Hữu Châu là người nghệ sĩ kiệm lời và khiêm tốn"
Vũ Anh