Nhật Bản: Nhờ đâu tiếng thơm vẫn còn?
Nhớ xong 3 truyện người viết tự hỏi không biết trước thế kỷ 17 người Nhật Bản đã có tinh thần nói trên chưa, và cứ trăn trở suy nghĩ mãi...
Từ đầu tháng trước người viết tìm hiểu về cái học của một cặp thầy trò. Thầy là NAKAE Tôju (1) , trò là KUMAZAWA Banzan (2) . Trong quá trình này người viết đọc được truyện kể lại lý do Banzan đã chọn Tôju làm thầy. Đó là truyện thứ nhất về người dẫn ngựa mướn vào thế kỷ 17 ở Nhật Bản. Truyện này giống với truyện của hai cụ Phan Sào Nam và Tăng Bạt Hổ kể lại về một người kéo xe mướn vào thế kỷ 20 khi 2 cụ đến Tokyo tìm người. Đó là truyện thứ hai . Người viết lại sực nhớ đến truyện của một người lái taxi mướn cũng ở Nhật Bản vào năm 2019 mà các bạn trong đoàn du dịch đi Kyushyu đã kể lại. Đó là truyện thứ ba .
Truyện thứ nhất, thanh niên Banzan đi khắp nước Nhật để tìm một người xứng đáng để tôn làm thầy.
Vào một buổi tối ở nhà trọ của địa phương Ômi, Banzan nghe truyện của một võ sĩ (samurai) trong phòng trọ bên cạnh kể lại cho người cùng phòng. Vị samurai được lãnh chúa cử lên thủ đô để lãnh vài trăm lượng vàng đem về. Ông cất vàng trong mình không dám rời thân.
Vào một buổi chiều trái với thói quen mọi ngày ông cột túi vàng vào yên của con ngựa mà ông mướn. Khi đến thôn, ông trả ngựa và cho người dẫn ngựa ra về. Đến tối ông mới trực nhớ ra ông đã quên túi vàng cột ở yên ngựa! Ông không nhớ tên người dẫn ngựa nên không biết tìm ở đâu. Ông nghĩ dù có tìm ra người dẫn ngựa thì chắc anh ta cũng đã tiêu hết số vàng rồi. Nghĩ mình không thể biện minh cho việc bất cẩn này nên chỉ còn con đường lấy cái chết mà chuộc tội với lãnh chúa nên ông viết 2 lá thư, một lá gửi cho cận thần của lãnh chúa và một lá để lại cho gia đình ông.
Trong tình trạng đêm tối tuyệt vọng như vậy ông nghe tiếng đập cửa. Mở cửa ra, ông rất ngạc nhiên vì đó là người dẫn ngựa ban chiều. Người dẫn ngựa hỏi: “Ngài samurai, có phải ông đã bỏ quên một vật rất quan trọng ở yên ngựa không? Khi tôi về nhà mới thấy nên đem đến trả lại cho ông.” Vị samurai quá mừng đến mức cực kỳ hoang mang, khi tỉnh người lại ông mới nói: “Anh là ân nhân cứu mạng của tôi. Xin nhận một phần tư số vàng này xem như tiền thưởng đã cứu tôi. Có thể nói anh là cha mẹ đã sinh ra mạng sống tôi một lần nữa.”
Người dẫn ngựa không chịu nhận, nói “Tôi không có tư cách như vậy. Túi vàng này là của ông, cho nên trả lại ông là việc đương nhiên.” Người Samurai muốn anh ta nhận 15 lượng nhưng anh ta vẫn không chịu, nên giảm xuống 5 lượng nhưng anh ta cũng không chịu nhận, rồi 2 lượng, và cuối cùng ông đành giảm xuống 1 lượng; nhưng anh dẫn ngựa vẫn không chịu nhận. Sau cùng anh ta nói: “Tôi là người nghèo. Tôi đi bộ từ nhà đến đây khoảng 16 cây số, tôi xin ông 4 văn tiền công” (3) (1 văn =1/4000 của lượng). Người Samurai kể tiếp, tôi nói mãi anh ta mới chịu nhận 200 văn tiền và vui vẻ định ra về. Khi đó ông mới ngăn anh ta lại, hỏi: “Tại sao anh thành thực, chính trực và không tham lam như vậy, anh có thể cho tôi biết được không? Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trong đời tôi có thể gặp được một người chính trực như thế!” Anh ta trả lời “Ở thôn Ogawa nơi tôi ở có một người tên là Nakae Tôju dạy cho chúng tôi như vậy. Tiên sinh nói rằng mục đích đời sống con người không phải là chỉ nâng cao lợi ích mà phải theo đạo làm người, phải theo con đường đúng, phải chính trực. Mọi người trong thôn chúng tôi đều một lòng sống theo lời dạy của tiên sinh.”
Hình: Hàng đầu là đồng tiền 4 văn, hàng giữa và cuối là 1 văn (tiếng Nhật đọc là mon), phát hành năm 1636 cho đến 1868.
Trong phòng trọ bên cạnh, thanh niên Banzan nghe truyện kể trên liền giác ngộ “Chính người này là bậc thánh nhân mà ta muốn tìm. Sáng hôm sau phải đến nơi ông Tôju xin ông nhận làm đệ tử mới được.” Tuy nhiên, việc không dễ dàng như Banzan nghĩ. Phần còn lại về sau của Banzan xin để dịp khác sẽ giới thiệu, ở đây xin được kể tiếp truyện thứ hai về người kéo xe mướn vào đầu thế kỷ 20.
Truyện thứ hai là của cụ Phan Sào Nam kể lại trong quyển Tự Phán của cụ. Xin ghi chép lại đây cho những bạn chưa nghe chuyện này.
Vào cuối năm 1905, hai cụ Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ dành dụm được vài đồng bạc làm lộ phí để lên Tokyo tìm cho được anh học sinh Trung Quốc, tên Ân Thừa Hiến đang học ở trường Chấn Võ do Lương Khải Siêu giới thiệu. Khi giới thiệu, Khải Siêu chỉ biết Thừa Hiến ở trường Chấn Võ chứ không biết địa chỉ.
Ra khỏi ga Tokyo, 2 cụ gọi một người kéo xe mướn và đưa danh thiếp ghi tên “Ân Thừa Hiến” ra. Người kéo xe xem xong tỏ ý khó khăn vì địa chỉ không rõ mà 2 cụ không biết tiếng Nhật. Anh ta gọi một đồng nghiệp khác biết chữ Hán. Người này viết chữ Hán đưa 2 cụ xem, ý nói: “Người kia không biết chữ Hán nên đề cử tôi với các ông, tôi thông chữ Hán, nên nếu muốn đi đâu, các ông cứ viết chữ ra, tôi đưa các ông đi”. Nói xong mời 2 cụ lên xe đưa đến trường Chấn Võ để hỏi học sinh tên Ân Thừa Hiến. Không may, Thừa Hiến đã ra trường ở ngoài quán trọ nhưng trường không biết tên quán trọ. Người kéo xe có ý bối rối, cúi đầu suy nghĩ một lúc rồi kéo xe đến chỗ hẻm bên đường rồi nói “Các ngài cứ chờ tôi ở đây để tôi đi tìm chỗ của người đó, tức khắc sẽ trở lại.”
Trong khi chờ 2 cụ nghĩ rằng “Tokyo quá rộng, quán trọ có hơn ngàn, một người kéo xe Nhật Bản đi tìm rông chỗ ở của một du học sinh người Trung Quốc, thiệt không lấy gì làm chắc, và lại sợ người kéo xe cũng một nết như người kéo xe ở nước mình thì e cũng gặp khó khăn với vấn đề đòi tiền.”
Không ngờ chờ từ 2 giờ chiều đến 5 giờ tối, thấy người kéo xe mừng rỡ trở lại, mời 2 cụ lên xe, đi độ 1 giờ thì tới lữ quán nơi Thừa Hiến đang ở.
Sau đó 2 cụ hỏi giá tiền kéo xe thì người kéo xe chỉ đòi 2 hào năm xu (4) . Hai cụ lấy làm lạ nhưng rút ra 1 đồng bạc trao cho người kéo xe, tỏ lòng cảm ơn đền công nhưng người kéo xe không chịu lấy, rút tập giấy nhỏ trong túi ra viết chữ, ý nói “Theo quy luật của bộ Nội Vụ đã định, từ ga Tokyo đến nhà này, giá xe chỉ có ngần này. Thêm vào đó các ông là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến đây nên tôi hoan nghênh các ông chớ không hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các ông cho tôi tiền nhiều quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó.”
Cụ Phan viết ở cuối truyện này như sau: “…nghe lời ấy, từ tạ người kéo xe xong, tự nghĩ càng thêm tủi. Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta xem với người kéo xe mướn Nhật Bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao!”
Truyện thứ ba là của các bạn trong đoàn du lịch chúng tôi vào năm 2019 kể lại. Đoàn du lịch chúng tôi gồm các cựu du học sinh ở Nhật Bản về thăm lại nơi họ trải qua thời du học. Các bạn đến từ Úc, Canada, Pháp và người viết ở Nhật Bản.
Vào một hôm, các bạn tôi gọi 2 chiếc taxi để về quán trọ. Ra đến đường chính chiếc xe chạy đầu quẹo trái, xe sau quẹo phải. Sau khi anh tài xế xe sau tuổi khoảng 40 đã xác nhận nơi đến là quán trọ Kinsui, ba bạn trong xe bắt chuyện với anh tài xế. Anh tài xế tiếp chuyện rất vui vẻ. Sau vài chục phút sau anh tài xế cho biết đã đến nơi. Nhưng ba bạn tôi thấy nơi đến không phải là quán trọ đang ở. Sau đó anh tài xế mới cho biết vì ham lo trò chuyện nên đã đi nhầm chỗ, quán trọ này tên là Sansui, không phải là Kinsui. Sau đó anh ngừng đồng hồ tính tiền của taxi và chở các bạn tôi về quán trọ Kinsui. Khi đến nơi đồng hồ tính tiền là 1.300 yên (số tiền đến quán trọ sai chỗ) nhưng nói anh chỉ nhận giống như số tiền của chiếc taxi chạy trước là 850 yên. Anh bạn của chúng tôi đồng ý trả anh 1.300 yên nhưng anh tài xế không chịu nhận vì cho rằng do lỗi của anh ta.
Ba truyện trên tuy có khác nhau chút ít về chi tiết nhưng thiết nghĩ cốt lõi có thể nói như nhau. Nhớ xong 3 truyện người viết tự hỏi không biết trước thế kỷ 17 người Nhật Bản đã có tinh thần nói trên chưa, và cứ trăn trở suy nghĩ mãi nhưng vẫn không hiểu nhờ đâu mà họ đã giữ được tinh thần này cho đến nay? Do đó người viết xin được ghi chép lại đây nhờ quý bạn đọc chỉ giáo giúp. Trân trọng biết ơn.
Nguyễn Sơn Hùng, 03/12/2021
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng ( Diendankhaiphong.org )
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả :
Ghi chú
(1) NAKAE Tôju (Trung Giang Đằng Thụ): 1608~1648, được xem là người tiếp nhận Vương Dương Minh học đầu tiên ở Nhật Bản. Được người Nhật gọi là thánh nhân của vùng Ômi (Cận Giang), thuộc tỉnh Shiga ngày nay.
Đặc điểm chính học thuyết của ông là ái và kính là căn bản của mọi đạo đức và cần phải linh động để thích hợp với thời đại, nơi chốn và địa vị của đối tượng áp dụng (chủ trương thời-sở-vị). Ông mất sớm nên chí hướng trong học thuyết của ông được Kumazawa Banzan kế tục và phát triển.
(2) KUMAZAWA Banzan (Hùng Trạch Phồn Sơn):1619~1691. Mặc dù thời gian học với Tôju ngắn nhưng Tôju cho biết trong giảng dạy thầy trò bàn luận rất tâm đắc. Khi Tôju tiếp nhận được Vương Dương Minh học ông đã cho người truyền đạt đến Banzan vì Banzan đã về quê quán làm quan. Khác với Tôju là học giả thuần túy, Banzan giúp lãnh chúa Ikeda quản trị phiên Okayama thuộc tỉnh Okayama ngày nay nên chủ trương học thuyết của ông rất thực tế và đa dạng.
(3) Vào năm 1636, 1 văn tiền mua được 1 con cá mòi hoặc 1 cái bánh bằng bột nếp.
(4) Một đồng ở đây có thể hiểu là 1 yên. Thời Minh Trị 1 yên=100 sen (tiếng Nhật, cụ Phan gọi là hào trong bài viết), 1 sen=10 rin (xu). Giá trị 1 yên khoảng 20 ngàn yên hiện nay. 1 sen= khoảng 100 yên và 1 rin=10 yên ngày nay.
Tài liệu tham khảo
Uchimura Kanzô: Representative Men of Japan (tiếng Anh), The Keiseisha, 1910. Di cảo cụ Phan Bội Châu: Tự Phán, nhà xuất bản Anh Minh, 1956.