Nhật Bản đổi mới chiến lược quốc phòng trước áp lực từ an ninh quốc tế và khu vực
Áp lực từ an ninh quốc tế và khu vực với vấn đề hạt nhân Triều Tiên và chiến sự Nga - Ukraine khiến Nhật Bản chủ động hơn trong chiến lược quốc phòng.
Ngày 10/10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, toàn bộ 7 vụ phóng tên lửa gần đây của nước này đều là hoạt động diễn tập "hạt nhân chiến thuật". Nổi bật là ngày 4/10, lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên thực hiện phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản , cũng không cảnh báo trước cho Tokyo. Phản ứng đáp trả, Nhật Bản cùng các đồng minh, đối tác liên tục tổ chức tập trận quy mô.
Cùng với tình hình chiến sự Nga - Ukraine , an ninh khu vực Đông Bắc Á gần đây cũng nóng lên. Các vấn đề quốc tế và khu vực được cho là chất xúc tác cho những động thái đổi mới gần đây của Nhật Bản trong chiến lược quốc phòng.
Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố, việc thử vũ khí chiến thuật của mình là động thái tự vệ trước các cuộc tập trận phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh Đông Bắc Á.
Ngày 4/10, Nhật Bản và Mỹ tiến hành tập trận quân sự máy bay phản lực chung.
Ngày 6/10, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành thêm một cuộc tập trận hải quân phối hợp ở vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 10/10, Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tiến hành tập trận chung mô phỏng bảo vệ các đảo xa, trong đó sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS.
Ông Hamada Yasukazu - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho rằng: "Động thái nhiều lần thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa với hòa bình, an ninh của Nhật Bản cũng như với khu vực và quốc tế".
Ngày 31/08, Nhật Bản công bố kế hoạch phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao. Đồng thời, yêu cầu bổ sung ngân sách cho phát triển các loại đầu đạn mới, bao gồm đầu đạn siêu thanh. Việc tăng cường các vũ khí tầm xa là một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư cho lực lượng phòng vệ. Kế hoạch mua sắm vũ khí được Bộ Quốc phòng công bố, cũng thể hiện sự khác biệt rõ rệt với thực tế đầu tư nhiều thập kỷ qua của quốc phòng Nhật Bản vốn bị ràng buộc theo Hiến pháp.
Giáo sư Kubo Fumiaki - Giám đốc Học viện Quốc phòng Nhật Bản: "Thủ tướng Kishida đã nhận được các tham mưu hướng tới tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản, trong đó bao gồm việc tăng ngân sách quốc phòng lên tương đương 2% GDP trong 5 năm, thay vì là 1% như hiện nay".
Tăng cường hợp tác quân sự trong khu vực và quốc tế cũng là động thái nổi bật của Nhật Bản gần đây. Ngày 8/9, trong một thông cáo chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng, hợp tác công nghệ và lên kế hoạch tập trận chung. Ấn Độ cũng đang hướng tới tăng cường năng lực quân sự, ứng phó với những gì họ coi là các mối đe dọa an ninh gia tăng.
Thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản
Có nhiều ý kiến phân tích cho rằng, chính sách quốc phòng có phần thận trọng của Nhật Bản duy trì từ sau thế chiến thứ hai, cũng bắt đầu có những thay đổi gần đây, trong bối cảnh cục diện chính trị, an ninh thế giới có nhiều biến động, tình hình khu vực cũng nhiều diễn biến mới, mà mới nhất phải kể đến các vụ thử tên lửa liên tiếp từ đầu năm của Triều Tiên.
Theo Sách Trắng quốc phòng năm 2022 của Nhật Bản, môi trường an ninh xung quanh nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức nổi lên trong khu vực và thế giới. Với nhận định trên, Nhật Bản liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực của lực lượng phòng vệ. Hiện ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là khoảng 5,4 nghìn tỷ yen (khoảng 40 tỷ USD) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm tài khóa 2023 lên 5,9 nghìn tỷ yen, mục tiêu cao nhất mà chính phủ nước này đưa ra là trong 5 năm tới sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2%, giống như mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra cho các nước thành viên.
Bên cạnh tăng ngân sách quốc phòng, Nhật Bản đang liên tục tăng cường hợp tác an ninh với nhiều nước trên cơ sở sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở", hiện ngoài liên minh quốc phòng với Mỹ, Nhật đã tăng cường đối tác an ninh với Australia, Ấn Độ, Anh, các nước EU và Đông Nam Á.
Theo các nhà quan sát, việc tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt như phát triển các hệ thống tấn công và phòng thủ tên lửa, các phương tiện không người lái, phòng thủ không gian và an ninh mạng. Mục tiêu của Nhật Bản là xây dựng cấu trúc quốc phòng mới, đưa Lực lượng Phòng vệ trở thành Lực lượng Quốc phòng "đa năng" trong các lĩnh vực trên, để đảm bảo có thể đáp ứng các thách thức mới trong thế kỷ 21, nhưng để thực hiện được điều này, tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP là điều hết sức quan trọng đối với Nhật Bản.
Ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, khi môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang bị đe dọa, như mối đe dọa từ các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, người dân nước này phần lớn ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng, đây có thể là tiền đề cho Nhật Bản dần tiến tới cải cách Hiến pháp để bình thường hóa vai trò của lực lượng phòng vệ.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 vừa qua, liên minh cầm quyền đã giành được chiến thắng vững chắc, điều này giúp Thủ tướng Kishida có thêm giai đoạn 3 năm nhận sự hậu thuẫn tích cực trong tiến hành các hoạt động lập pháp, không bị gián đoạn bởi một cuộc bầu cử quốc gia nào. Các khuyến nghị về cải thiện năng lực quốc phòng cũng đang được xem xét, mối lo về các vấn đề quốc tế, khu vực được coi là xúc tác cho quá trình nâng cao năng lực quốc phòng của nước này.
Ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ba nước Mỹ, Australia và Nhật Bản đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong việc đảm bảo an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.