Nhật Bản đầu tư 107 tỉ USD phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu hydro trong 15 năm

Chia sẻ Facebook
09/06/2023 22:58:48

VietTimes – Ngày 6/6, Nhật Bản có kế hoạch đầu tư 15 nghìn tỉ yên (107,5 tỉ USD) trong 15 năm tới để sản xuất hydro, đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa nền kinh tế, phụ thuộc năng lượng khí đốt sang các nguồn năng lượng phi carbon.

Trung tâm nghiên cứu hydro Fukushima (FH2R) và trang trại điện mặt trời liền kề tại thị trấn Namie, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 6/3/2021. Reuters/ Yuka Obayashi/File Photo

Kế hoạch sửa đổi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, tăng nguồn cung hydro hàng năm lên gấp 6 lần mức hiện nay, đạt 12 triệu tấn vào năm 2040. Kế hoạch ban đầu đặt mục tiêu sản xuất hydro sạch ở Nhật Bản đạt 3 triệu tấn hàng năm vào năm 2030 từ mức 2 triệu tấn hiện nay.

Đến năm 2050, Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất khoảng 20 triệu tấn với kỳ vọng thị trường hydro toàn cầu sẽ tạo ra doanh thu hàng năm 2,5 nghìn tỉ USD.

Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết tài trợ 15 nghìn tỉ yên (107 tỉ USD) từ các nguồn tư nhân và nhà nước để xây dựng chuỗi cung ứng nhiên liệu hydro trong thời gian 15 năm tới.

Chiến lược trung hòa carbon của Nhật Bản tập trung vào phương hướng sử dụng nhiên liệu sạch, hydro và năng lượng hạt nhân, làm cầu nối trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tình hình bất ổn trên thế giới làm sâu sắc thêm những lo ngại về an ninh năng lượng, các quốc gia đều nỗ lực tìm kiếm những giải pháp đảm bảo ổn định nguồn cung cấp, các quốc gia phương Tây hiện đang thúc phát triển nhanh hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt.

Nhật Bản hiện đang đặt mục tiêu chuyển đổi nguồn nhiên liệu hóa thạch thành nguồn nhiên liệu hydro, mặc dù hydro tại quốc gia này hiện chủ yếu được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Một số chuyên gia cho rằng, những chiến lược như thương mại hóa sử dụng hydro và amoniac chủ yếu phục vụ lợi ích kinh doanh lớn và các ngành công nghiệp lớn. Những doanh nghiệp này đã đầu tư lớn vào công nghệ, phát triển trên nền tảng nhiên liệu hóa thạch và có ảnh hưởng đối với các chính sách của chính phủ.

Kế hoạch sửa đổi ưu tiên phát triển 9 lĩnh vực chiến lược, trong đó có: phát triển thiết bị điện phân nước chi phí thấp, pin dự trữ nhiên liệu và tàu vận tải chuyên dụng siêu trường, siêu trọng vận chuyển hydro.

Chánh văn phòng Nội các chính phủ Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết: “Hydrogen là một ngành công nghiệp đồng thời có thể đạt được thành tích gấp 3 lần về khả năng khử carbon, cung cấp năng lượng bền vững ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta sẽ phát triển hydro trên quy mô lớn, cả cung và cầu”.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đang đặt mục tiêu chuyển đổi đất nước thành một “xã hội hydro", nhưng ngành công nghiệp hydro của quốc gia này đang ở giai đoạn đầu phát triển. Chính phủ hiện đang soạn thảo Bộ luật nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết và chuỗi cung ứng cho sản xuất và sử dụng hydro và amoniac tinh khiết, một phiên bản khác của nhiên liệu hydro ở cấp độ thương mại.

Tại một cuộc họp của Hội đồng hydrogen với các nhà lãnh đạo công nghiệp tuần trước, thủ tướng Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển một “cộng đồng châu Á không phát thải”, tăng cường phát triển công nghệ Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất hydro, amoniac và những công nghệ khử carbon khác.

Ông Kishida tuyên bố: “Đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng, chúng ta hướng tới tính khả thi trong kế hoạch của đất nước, đồng thời khuyến khích đầu tư dài hạn vào khả năng phát triển nguồn cung, xây dựng nhu cầu sử dụng hydro quy mô lớn.

Nội các chính phủ Nhật Bản, thông qua báo cáo năng lượng hàng năm cho biết, tình hình bất ổn trên thế giới làm gia tăng tình trạng thiếu hụt đối với khí đốt tự nhiên có thể kéo dài đến năm 2025. Nhu cầu cao khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu nhằm thay thế cho khí đốt tự nhiên từ Nga đã đã đẩy giá LNG cao hơn, đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải vạch ra một chiến lược dài hạn để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định với giá cả phù hợp.

Nhật Bản đã thông qua kế hoạch “chuyển đổi xanh” vào tháng 2/2023, thúc đẩy phát triển pin điện mặt trời thế hệ tiếp theo, điện gió ngoài khơi và phục hồi sản xuất điện hạt nhân.


Theo Japan Today

Chia sẻ Facebook