Nhật Bản đang bước vào làn sóng dịch thứ 7, xuất hiện nhiều biến thể tái tổ hợp của SARS-CoV-2

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 01:29:46

Đến sáng 12/4, thế giới có trên 499,47 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,2 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,07 triệu ca mắc và hơn 1,01 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 10.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 11/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,03 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.


Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 661.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,15 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Tính theo khu vực, châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với hơn 183,9 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,78 triệu người tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 143,7 triệu ca mắc và hơn 1,41 triệu trường hợp tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97 triệu ca mắc và hơn 1,44 triệu bệnh nhân thiệt mạng. Trong khi đó, các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56,4 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu người tử vong.


Số ca nhiễm mới theo ngày tại Italy đang giảm khi vào ngày 10/4, nước này ghi nhận 53.253 ca mắc mới, giảm so với 63.992 ca thông báo ngày trước đó. Số người tử vong do COVID-19 cũng giảm từ mức 112 ca xuống 90 ca trong cùng thời gian trên. Ngày 11/4, số ca mắc mới tại Italy là 28.368 người.


Hiện Italy có tổng cộng 160.863 người không qua khỏi vì COVID-19, số ca tử vong cao thứ 2 ở châu Âu sau Anh và cao thứ 8 thế giới. Tổng số người mắc COVID-19 ở nước này là trên 15,32 triệu trường hợp.


Pháp ngày 10/4 thông báo có thêm 107.654 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong vì COVID-19, con số này vào ngày 11/4 là 25.492 và 178. Hiện tổng số ca bệnh và tử vong tại Pháp lần lượt là hơn 26,97 triệu trường hợp và hơn 143.300 bệnh nhân. Pháp hiện là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất châu Âu.


Chính phủ Chile cho biết sẽ mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ của nước này từ ngày 1/5 tới sau hơn 2 năm đóng cửa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Từ ngày 14/4, việc đeo khẩu trang trong các không gian mở cũng sẽ không còn là bắt buộc ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc trung bình. Bộ Nội vụ Chile cho biết sẽ cùng Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế nước này nghiên cứu các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và sẽ công bố hướng dẫn chi tiết vào ngày 12/4.

Chile sẽ mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ của nước này từ ngày 1/5. (Ảnh: AP)


Nhật Bản có thể đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới, đây là nhận định của giới chuyên gia nước này khi có nhiều dấu hiệu cho thấy, số ca nhiễm mới trên toàn quốc đang tăng trở lại. Số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã lần lượt cán mốc 6 triệu ca vào ngày 18/3 và 7 triệu ca vào ngày 9/4, đồng nghĩa với việc chỉ sau 3 tuần, tổng số trường hợp nhiễm mới đã tăng từ 6 triệu lên trên 7 triệu người. Theo các chuyên gia y tế, đây là một dấu hiệu cho thấy, Nhật Bản có thể đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 7.


Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc số ca nhiễm mới đang gia tăng trở lại ở Nhật Bản là do sự lây lan của biến thể phụ BA.2 của Omicron, được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn so với biến thể Omicron gốc. Nhật Bản đang tăng cường việc tiêm mũi vaccine thứ 3 trong giới trẻ, nhóm tuổi chiếm tỷ trọng cao trong số các ca nhiễm mới gần đây.

Ngày 11/4, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo ca nhiễm biến thể mới mang tên XE đầu tiên ở nước này, là một phụ nữ đến từ Mỹ và xuống sân bay Narita vào ngày 26/3. Theo các kết quả nghiên cứu sơ bộ do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng hợp, XE được phát hiện lần đầu ở Anh vào ngày 19/1 và hơn 600 mẫu phân tích chuỗi gene được xác nhận là biến thể XE. Những ước tính từ những ngày đầu cho thấy, XE có tốc độ tăng trưởng lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn BA.2 khoảng 10%. Tuy nhiên, điều này cần thêm thời gian và nghiên cứu để khẳng định.


Ngày 11/4, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lần đầu tiên trong 7 tuần qua đã giảm xuống dưới 100.000 ca/ngày trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh ở nước này do biến thể Omicron đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 3. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này vào ngày 11/4 ghi nhận thêm 90.928 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 21 trường hợp nhập cảnh. Hiện tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc là trên 15,42 triệu trường hợp.

Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới tại Hàn Quốc giảm xuống mức 5 chữ số kể từ ngày 22/2 khi phát hiện 99.562 ca mắc mới, và cũng là mức thấp trong gần 2 tháng qua sau mức 90.438 ca ghi nhận vào ngày 16/2. Số liệu mới nhất này phản ánh xu hướng đi xuống của dịch bệnh, từng dao động từ 300.000-400.000 ca/ngày trong vài tuần qua, với mức cao nhất là 620.000 ca trong ngày 17/3.

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 258 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng ở nước này lên 19.679 bệnh nhân. Tỉ lệ tử vong là 0,13%.


Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ đạo thực hiện thí điểm bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở 4 tỉnh phía Bắc nước này. Quyết định được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Theo Thủ tướng Hun Sen, những người từ các địa phương khác khi đến 4 tỉnh này cũng không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Bốn tỉnh thực hiện thí điểm bỏ đeo khẩu trang là Ratanakiri, Mondulkiri,Stung Treng và Preah Vihear. Bốn tỉnh này được yêu cầu phải theo dõi sát tình hình, sẵn sàng tổ chức xét nghiệm nhanh đồng loạt để kiểm soát dịch bệnh.

Trong hơn một tuần qua, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Campuchia không vượt quá 35 trường hợp mỗi ngày. Hoạt động tiêm chủng vẫn sẽ duy trì trong dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay tới đây tại các chùa và điểm thăm quan. Tính đến ngày 10/4, gần 93% dân số Campuchia đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.


Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm dần, ngày 11/4, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố chi tiết kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học sau thời gian giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Các trường học sẽ nối lại việc giảng dạy trực tiếp nửa ngày theo từng giai đoạn từ ngày 19/4 và có thể bố trí căn cứ theo tình hình thực tế mỗi trường.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hong Kong đang có xu hướng giảm dần. (Ảnh: AP)


Sau khi các trường nối lại việc giảng dạy trực tiếp, giáo viên, nhân viên và học sinh được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày, nếu có kết quả âm tính mới được đến trường. Trong trường hợp dương tính thì phải báo cáo lên Trung tâm bảo vệ sức khỏe (CHP) và nhà trường cũng phải báo cáo kết quả xét nghiệm lên CHP hàng ngày. Chính quyền Hong Kong sẽ cung cấp 10 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh cho các trường học và ước tính có hơn 300.000 học sinh cần sử dụng, dự tính đủ cho các trường sử dụng trong tháng 5.

Tính đến ngày 10/4, có 329.060 (62,4%) trẻ em trong độ tuổi từ 3-11 hoàn thành mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Ngày 10/4, Hong Kong ghi nhận trên 1.900 người mắc COVID-19, ngày 11/4 là 1.407 ca, mức thấp rõ rệt so với đỉnh dịch trên 58.000 ca vào ngày 9/3.


Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo, ngày 11/4, Trung Quốc đại lục ngày 10/4 ghi nhận 1.184 ca mắc mới, trong đó có 1.164 người lây nhiễm trong cộng đồng và 20 trường hợp nhập cảnh. Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, 914 ca được ghi nhận ở Thượng Hải, 187 ở tỉnh Cát Lâm, 19 ở tỉnh Quảng Đông. Số ca còn lại được ghi nhận ở 12 tỉnh khác của nước này.

Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận thêm 26.411 ca mắc COVID-19 không biểu hiện triệu chứng, trong đó có 26.345 ca lây nhiễm trong nước và 66 trường hợp nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm trong nước không có biểu hiện triệu chứng, 25.173 trường hợp được ghi nhận ở Thượng Hải và 797 ở tỉnh Cát Lâm.


Thành phố 26 triệu dân Thượng Hải đang thực hiện lệnh phong tỏa trên diện rộng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, chỉ nhân viên y tế, tình nguyện viện, nhân viên giao hàng hoặc một số đối tượng có giấy phép đặc biệt mới được ra khỏi nhà. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Nhiều siêu thị phải đóng cửa.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với một khu vực có nguy cơ cao sau khi ghi nhận 8 ca mắc mới COVID-19 tại khu vực này trong 2 tuần qua. Nhà chức trách thành phố Quảng Châu cho biết sẽ thực hiện xét nghiệm diện rộng tại 11 quận của thành phố này sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm mới trong ngày 8/4.

Trong khi đó, thành phố cảng Ninh B gần Thượng Hải ngày 10/4 thông báo dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống trong khách sạn và nhà hàng, đồng thời những người sống trong khu phong tỏa phải thực hiện xét nghiệm hàng ngày trong 3 ngày.


Với số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 giảm đáng kể, ngày càng có thêm nhiều nước và vùng lãnh thổ điều chỉnh chiến lược chống dịch giúp tiến trình mở cửa trở lại các nền kinh tế có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc một loạt quốc gia châu Á tuần qua ghi nhận nhiều ca nhiễm các biến thể tái tổ hợp khác nhau của virus SARS-CoV-2, sau khi hàng trăm ca được phát hiện ở châu Âu trước đó, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải đưa ra cảnh báo về khả năng tiếp tục "biến hình" của virus SARS-CoV-2 trong tương lai.

Chỉ tính từ đầu tháng 4 tới nay, hàng loạt quốc gia phát hiện các ca nhiễm hai dạng biến thể tái tổ hợp đang được WHO giám sát và theo dõi chặt là XD (kết hợp của biến thể Delta và Omicron) và XE (kết hợp giữa hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của dòng Omicron).

Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á báo cáo về biến thể XE, với ca nghi nhiễm được xác định ngày 2/4. Tiếp đó là các ca được ghi nhận tại Ấn Độ ngày 6/4 và 9/4. Ngày 8/4, bang New South Wales của Australia thông báo phát hiện các ca nhiễm biến thể Deltacron (kết hợp giữa Delta và Omicron), cũng như các ca nhiễm biến thể tái tổ hợp BA.1 và BA.2 của Omicron, nhưng chưa thể khẳng định có phải là phiên bản XE đã được phát hiện lần đầu ở Anh hay không.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới, thông báo phát hiện 2 ca nhiễm biến thể mới của Omicron có giải trình tự gene không giống với bất kỳ biến thể hiện có nào, một ca có nguồn gốc từ BA.1 và một ca có nguồn gốc từ BA.2.

WHO cho rằng, các quốc gia nên tiếp tục tăng cường lập kế hoạch COVID-19 để ứng phó với các đợt bùng phát và các đột biến, đồng thời sẵn sàng cho bất kỳ đại dịch nào trong tương lai.

Chia sẻ Facebook