Nhập viện vì stress mùa thi

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 10:48:03

Trước áp lực mùa thi của các kỳ thi đầu cấp, tuyển sinh đại học, nhiều thí sinh bị stress, mắc hội chứng lo âu, trầm cảm... phải nhập viện điều trị.


Gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một số bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập, nhất là vào thời điểm mùa thi với nhiều kỳ thi quan trọng sắp diễn ra.

Theo bác sĩ Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, mới đây, một nam sinh 18 tuổi, sống ở Hà Nội được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt.

Khám sức khỏe cho trẻ bị trầm cảm tại Viện Sức khỏe tâm thần - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Gia đình cho biết trước đây nam sinh cũng đã từng bị rối loạn cảm xúc nhưng đã điều trị thành công. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đang chuẩn bị thì tốt nghiệp nam sinh lại xuất hiện dấu hiệu hồi hộp trống ngực, căng thẳng, khó nhớ hay quên khi học, ngủ không sâu giấc, phải tới khám và điều trị tại viện.

Cùng thời điểm đó, một nam sinh khác 17 tuổi cũng ở Hà Nội đã nhập viện gần 1 tuần để điều trị stress, rối loạn cảm xúc. Theo phụ huynh nam bệnh nhân, dù đang giai đoạn quan trọng, nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng con trai lại học "không vào". Trước đó, từ lớp 11, em đã khó kiểm soát cảm xúc, trên tay có nhiều vết bầm tím, và luôn áp lực "vì không biết học nhiều để làm gì". Gần đây nam sinh này không theo được guồng ôn thi nên càng lo lắng và trốn học.

Tiến sĩ - bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vào thời điểm mùa thi chuyển cấp từ trung học lên phổ thông và đại học nhiều trẻ đã gặp các vấn đề về trầm cảm, stress.

Tình trạng này gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các bệnh nhân đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.

Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi như ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…

Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu, và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.

Theo bác sĩ Tâm, một nghiên cứu năm 2019 -2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi, cho thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%).

"Đáng chú ý là trầm cảm gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi. Những trẻ này thường căng thẳng và bị trầm cảm , stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, áp lực từ gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường"- bác sĩ Tâm nói.

Các em học sinh cần được chăm sóc sức khỏe tâm lý khi các kỳ thi đến gần- Ảnh: TTXVN

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính, quá trình stress đã âm thầm diễn biến từ khoảng 3 - 5 năm trước và áp lực thi cử chỉ là "giọt nước tràn ly".

Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì nên nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường thì bố mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện thì thường trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm , stress nặng.


Dấu hiệu nhận biết trẻ trầm cảm

Bác sĩ Dương Minh Tâm khuyến cáo với những trẻ có nhân cách yếu, lãng mạn, văn nghệ sĩ, nhân cách khép kín hoặc thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thiếu kìm chế, dễ bùng nổ, xung đột thường dễ bị stress hơn trẻ có nhân cách mạnh... gia đình nên xây dựng cho trẻ một môi trường thi đua, phấn đấu, tương trợ và cùng tiến. Điều này giúp trẻ chống đỡ với trầm cảm tốt hơn.

Ngoài ra, tập luyện, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời, dành thời gian trong thiên nhiên cũng là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Theo bác sĩ Tâm, trầm cảm thường diễn biến âm thầm. Tuy nhiên, khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu lạ như: ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thất thường; dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực, cảm giác tội lỗi, bất lực, tập trung kém, thiếu năng lượng, mệt mỏi... cần theo dõi sát sao và cho trẻ đi khám kịp thời.

Ngoài ra, trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội...

Biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.

Bác sĩ cũng lưu ý, các bậc phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái mà cần quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập, sức khỏe của con. Cần có sự thỏa thuận, các định đúng năng lực của con để đặt mục tiêu phù hợp theo hướng khuyến khích là chính.

Bên cạnh quan tâm đến tinh thần, cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để các sĩ tử có đủ sức khỏe vượt qua kỳ thi tốt nhất. Trong kỳ thi, cha mẹ cũng cần hỗ trợ thêm cho con các công tác chuẩn bị cho kỳ thi để trẻ yên tâm hơn, giảm bớt những lo lắng không đáng có.Về phía thầy cô giáo nếu thấy các em có biểu hiện bất thường khi tiếp xúc hàng ngày cũng cần phải thông báo ngay cho gia đình.


Nguyên tắc 5 chữ R giúp giảm stress, trầm cảm

Theo bác sĩ Tâm, trầm cảm, stress mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nó không được xử lý thích hợp. Stress mãn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, dẫn đến một số bệnh về tinh thần và thể chất như trầm cảm và các bệnh tim mạch.

Để ứng phó với tình trạng này, các gia đình có thể tham khảo nguyên tắc 5 chữ R:

Recognition: xác định nguyên nhân, nguồn gốc của stress, giáo dục và nâng cao nhận thức để vượt qua, thích ứng với stress.

Relationships: Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ, trấn an.

Removal: Loại bỏ các yếu tố gây stress và các yếu tố kích thích.

Relaxation: Thư giãn thông qua các kỹ thuật như thiền, xoa bóp, tập thở…

Re-engagement: Tái tương tác thông qua tái tiếp xúc có quản lý và giải mẫn cảm.

Chia sẻ Facebook