Nhập siêu gần 2 triệu tấn thép
Sau năm 2021 xuất siêu, 7 tháng đầu năm 2022, nhập siêu sắt thép đã quay trở lại với con số gần 2 triệu tấn.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2022, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt mức 613.454 tấn, giảm 28,7% so với tháng 6.
Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép lên tới 909.245 tấn, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22% trong khi nhập khẩu suy yếu gần 8%.
Như vậy, cả nước đã nhập siêu 295.791 tấn thép trong tháng 7.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn đang nhập siêu gần 2 triệu tấn sắt thép các loại.
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, việc hàng loạt các FTA có hiệu lực đã góp phần giúp ngành thép tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, hạn chế của ngành thép là hiện vẫn bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trước đó, trong năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 12,31 triệu tấn sắt thép các loại, chủ yếu là từ Trung Quốc khi thị trường này chiếm đến 41,38% tổng lượng thép nhập khẩu. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (14,51%), Hàn Quốc (13,63%), Ấn Độ (12,2%).
Hạn chế lớn nhất của ngành thép là mới chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. Đây vẫn là một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất thép Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận định về diễn biến thị trường thép nửa cuối năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, thị trường thép sẽ còn khó khăn hơn và dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước. Giá thép xây dựng đã giảm mạnh liên tiếp, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III, do những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể bứt phá, mùa cao điểm xây dựng đã qua…
Dưới áp lực của cả thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tự chủ đối với lĩnh vực tiềm năng này.
Đối với hoạt động xuất khẩu thép, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với một số lo ngại liên quan các vấn đề về phòng vệ thương mại khi hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam đang ngày một tăng. Tập trung cải thiện năng lực pháp lý, nguồn lực tài chính, minh bạch hơn nữa hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để khi có yêu cầu về kiểm tra, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động chứng minh sự minh bạch của sản phẩm…
Cùng với đó, để đồng hành cùng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiệt hại.