Nhập khẩu lượng lớn khí đốt, quốc gia châu Á này khẩn trương xây dựng hệ thống kho cảng lưu trữ, sau đó bán lại cho châu Âu kiếm lời

Chia sẻ Facebook
16/10/2022 11:39:27

Giới phân tích nhận định, việc tăng năng lực lưu trữ khí đốt tại các kho cảng sẽ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào hoạt động thương mại LNG toàn cầu với việc tăng quy mô tái xuất khẩu mặt hàng này.

Theo tờ SCMP, Trung Quốc đang tăng cường việc xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm kho cảng tiếp nhận và cơ sở lưu trữ. Động thái này diễn ra sau khi các công ty Trung Quốc ký nhiều hợp đồng nhập khẩu LNG dài hạn trong bối cảnh mối lo ngại về an ninh năng lượng ngày càng tăng.

Nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau tại Trung tâm về Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: “Trung Quốc là một trong số các quốc gia có danh sách dài các kho cảng tiếp nhận LNG đang được xây dựng. Bên cạnh một số kho cảng được xây dựng mới, nhiều cơ sở hiện có đang được mở rộng hơn”.

Trung Quốc đang xây dựng các thiết bị và cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới, chẳng hạn như công trình ở tỉnh Hà Bắc, nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh năng lượng của quốc gia (Ảnh: Xinhua)

Cuối tháng trước, một tàu từ Qatar đã vận chuyển 210.000 mét khối LNG tới một bể chứa tại Kho cảng Năng lượng Xanh Diêm Thành ở phía đông tỉnh Giang Tô. Đây là hoạt động đầu tiên của cơ sở dự trữ LNG lớn nhất Trung Quốc, theo chính quyền địa phương.

Theo trang web chính thức của Diêm Thành, kho cảng LNG này là ví dụ nổi bật trong chiến lược an ninh năng lượng của Chính phủ. Chiến lược này do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2014 nhằm cách mạnh hóa hoạt động tiêu thụ, nguồn cung, công nghệ và hệ thống năng lượng, đồng thời tăng cường hợp tác năng lượng quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ mất an ninh năng lượng trong 2 năm qua, đặc biệt là khi nền kinh tế thứ hai thế giới liên tục đối mặt các cuộc khủng hoảng thiếu điện.

Theo một dự thảo kế hoạch được Bộ Giao thông Trung Quốc công bố năm 2019, nước này dự kiến xây dựng 34 kho cảng LNG và tăng năng lực tiếp nhận thêm 224 tỷ mét khối vào năm 2035, tăng gấp hơn hai lần năng lực hiện tại.

Tính tới cuối năm 2021, Trung Quốc có 22 cảng LNG đang hoạt động với tổng năng lực tiếp nhận là 92,27 triệu tấn - theo số liệu chính thức.

“Trung Quốc là một nước lớn có thị trường khí đốt khổng lồ - có thể tương đương với quy mô của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022. Vì vậy, không có gì lạ khi nước này có nhiều kho cảng LNG”, bà Corbeau nói. “Để cung cấp khí đốt cho các khu vực khác nhau, cần thiết phải có nhiều cơ sở LNG trên khắp cả nước, để có nhiều điểm tiếp nhận hơn và cung cấp khí đốt tốt hơn cho các khu vực khác nhau”.

Năm 2021, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Trong 2 năm qua, các công ty Trung Quốc đã ký một số lượng kỷ lục hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn với các nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có nhiều công ty tới từ Mỹ.

Các công ty năng lượng Trung Quốc đã ký 20 hợp đồng LNG mới vào năm ngoái, chiếm 40% tổng số hợp đồng mới được ký vào năm 2021 về khối lượng (Ảnh: Reuters)

Tại Trung Quốc, khí tự nhiên cũng đang được xem là loại nhiên liệu chuyển tiếp trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào than đá, tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định kinh tế cấp cao của Trung Quốc - nước này sẽ nâng tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong tiêu thụ năng lượng nội địa từ mức dưới 10% hiện tại lên 15% vào năm 2030.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 78,93 triệu tấn LNG, chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ khí tự nhiên trong nước. Viện Nghiên cứu Phát triển và Kinh tế Sinopec dự báo nhập khẩu LNG của nước này sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm tới năm 2030.

Trước nhu cầu tiêu thụ sản phẩm năng lượng trong nước đang giảm dần do các chính sách zero-Covid của quốc gia, các công ty năng lượng Trung Quốc đã bán lại lượng LNG dư thừa ra thị trường quốc tế để tận dụng sự chênh lệch giá giữa các hợp đồng dài hạn và giá giao ngay tăng cao do xung đột tại Ukraine, chủ yếu là các quốc gia châu Âu.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã tái xuất khẩu lượng LNG kỷ lục trị giá lên tới 164 triệu USD sang châu Âu - bao gồm Tây Ban Nha, Pháp và Malta, và 284 triệu USD sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, năm ngoái nước này chỉ xuất khẩu khoảng 7 triệu USD.


Tham khảo: SCMP

Chia sẻ Facebook