"Nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu có lợi cho thặng dư thương mại"

Chia sẻ Facebook
31/05/2023 11:55:51

Trong tháng 5, xuất khẩu giảm 5,8% so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu giảm tới 18,3%. Điều này có lợi cho thặng dư thương mại của Việt Nam khi ghi nhận ở mức 2,2 tỷ USD.

Theo HSBC, Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại. Mặc dù dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 5 không xấu đi, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy" để bật trở lại trong bối cảnh nhiều khó khăn gia tăng cản trở tăng trưởng. Trong khi đó, dữ liệu lĩnh vực bên ngoài chậm lại vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng.

Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 5 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm chậm hơn so với dự đoán của thị trường nhưng sự suy yếu trên diện rộng vẫn còn đó. Tuy nhiên, tình trạng nhập khẩu sụt giảm vẫn tiếp diễn ở mức 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sản xuất công nghiệp nói riêng cũng là minh chứng cho triển vọng còn yếu của bên ngoài với mức giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 5, không có ngành hàng nào trong số các ngành hàng chính như điện tử, máy móc, dệt may/da giày và đồ nội thất gỗ cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể.

Đơn hàng sụt giảm mạnh ở Mỹ, Trung Quốc và EU.

Dữ liệu xuất khẩu tính đến tháng 4/2023 cho thấy đơn hàng sụt giảm mạnh ở ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc và EU. Cụ thể, với thị phần lớn lên tới 30%, Việt Nam chắc chắn dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ.

Có ý kiến cho rằng, việc nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu có lợi cho thặng dư thương mại của Việt Nam, ghi nhận ở mức 2,2 tỷ USD, gấp đôi mức bình quân tháng của năm 2022.

Cán cân thương mại được cải thiện phần nào chính là lý do đồng VNĐ duy trì tương đối ổn định trong bối cảnh đồng USD mạnh lên suốt hai tuần trước, vượt qua các đồng tiền khác như KRW và MYR, vốn cũng liên quan mật thiết đến đồng RMB.

Tuy nhiên, với ngành sản xuất có bản chất thiên về nhập khẩu, sự suy yếu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chậm chạm của xuất khẩu trong tương lai.

Mặc dù vậy, bức tranh nhìn chung không hoàn toàn chỉ một màu xám. Ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng, phần nào bù đắp cho những suy yếu ở lĩnh vực bên ngoài.


Thế nhưng, có sự khác biệt lớn giữa những mặt hàng giá trị cao, ví dụ như ô tô, và dịch vụ liên quan đến du lịch – một xu hướng cũng đang diễn ra ở các nước khác trong khu vực. Điều đáng mừng là lượng khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam có chiều hướng tích cực.

Bất chấp số lượng có giảm nhẹ so với mức của tháng 4, Việt Nam một lần nữa lại đón hơn 900.000 du khách, đưa mức phục hồi du lịch lên khoảng 70% so với mức của năm 2019.

Cụ thể, du khách đến từ Trung Quốc đại lục phục hồi 35% so với mức của năm 2019 mặc dù vẫn còn chậm, con số này vẫn còn đang tăng lên. HSBC cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phục hồi các chuyến bay thẳng với Trung Quốc, hiện tại đã phục hồi 44% so với mức của năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón tổng cộng 4,6 triệu du khách quốc tế, đạt 60% mục tiêu 8 triệu du khách quốc tế của năm 2023.

Với mùa du lịch hè sắp tới và khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực, vốn đang được Quốc hội cân nhắc, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn từ du lịch quốc tế, một nguồn hỗ trợ rất cần thiết đối với nền kinh tế đang chững lại hiện nay.

Cuối cùng, tin vui là lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Đà lạm phát toàn phần vẫn ổn định trong tháng 5, đưa lạm phát toàn phần cả năm so với cùng kỳ năm trước xuống 2,4%.

Mặc dù chi phí xây xựng và vật liệu tăng 1% so với cùng kỳ tháng trước, chủ yếu phản ánh đợt tăng giá điện một tháng trước đó, chi phí vận chuyển giảm đáng kể (-3% so với cùng kỳ tháng trước) bù lại một số rủi ro tăng lạm phát.


Lạm phát dịu xuống là một trong những nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây cắt giảm lãi suất lần thứ hai .

Chia sẻ Facebook