Nhập khẩu dầu diesel của EU từ Nga tăng vọt - châu Âu làm cách nào từ bỏ năng lượng Nga?
Trong tháng 7/2022, nhập khẩu dầu diesel từ Nga của châu Âu tăng vọt đã làm dấy lên câu hỏi liệu khối này có đang đi thực thi đúng với những lệnh trừng phạt mà họ ban hành?
Theo số liệu mới nhất từ Bloomberg, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu từ Nga trong tháng 7 đã tăng 20%, làm nổi bật thêm những thách thức mà khối này phải đối mặt khi cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Còn theo Vortexa, một tổ chức chuyên giám sát các tàu chở dầu cho biết vào tháng 7, châu Âu đã nhập khẩu gần 700.000 thùng nhiên liệu mỗi ngày từ Nga. Đây là mức cao hơn nhiều so với tháng 6 và tăng đến 22% so với tháng 7/2021.
Sự gia tăng về số lượng nhập khẩu này cho thấy những khó khăn mà EU sẽ phải đối mặt trong nỗ lực giảm dòng chảy dầu từ Nga xuống bằng 0 vào tháng 2 như đã cam kết.
Ông David Wech, Nhà kinh tế trưởng tại Vortexa, cho biết: "Chúng ta còn ở rất xa để có thể thay thế được dầu của Nga. Tôi tự hỏi rằng liệu châu Âu có đang làm đúng để thực hiện được lệnh cấm nhập khẩu như đã công bố hay không".
Trong những năm gần đây, dầu thô của Nga được sử dụng tại nhóm vận tải đường bộ, xe hơi và trong sản xuất công nghiệp đã tăng mạnh tại thị trường châu Âu. Dữ liệu của Vortexa cho thấy Nga chiếm hơn một nửa lượng dầu diesel nhập khẩu của khu vực.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga ngày càng tăng với khoảng 15% tổng tiêu thụ của khu vực này. Điều này đã đặt ra câu hỏi rằng liệu EU có sẵn sàng đối mặt với toàn bộ các biện pháp trừng phạt mà họ định thực hiện hay không.
Trước những lo ngại của châu Âu về an ninh năng lượng toàn cầu, vào tháng trước EU đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước của Nga như Rosneft, cho phép các công ty châu Âu tham gia vào những giao dịch với họ để cung cấp dầu cho các nước thứ ba.
Phần lớn nguồn cung dầu diesel của châu Âu đến từ việc biến dầu thô thành các sản phẩm nhiên liệu tại các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên châu lục này lại đang bị thiếu hụt công suất lọc dầu sau đợt cắt giảm trong thời kì đại dịch – thời kì nhu cầu giảm xuống do người dân ít đi lại hơn.
Ông Wech nói thêm rằng liệu các nhà máy lọc dầu của Mỹ, vốn thường tập trung vào sản xuất xăng có bị thu hút bởi mức lợi nhuận lớn được đề nghị để sản xuất thêm dầu diesel cho châu Âu hay không.
Theo S&P Global, chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và dầu diesel là 35 USD/ thùng, còn đối với giá xăng là 20 USD/thùng.
Trung Quốc có công suất lọc dầu dự phòng đủ để sản xuất nhiều dầu diesel hơn, tuy nhiên Bắc Kinh đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu của họ tập trung vào việc cung cấp cho thị trường nội địa.
Trong những ngày đầu khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, một số nhà kinh doanh lớn nhất thế giới đã cảnh báo về sự thiếu hụt nghiêm trọng của dầu diesel trên toàn cầu có thể dẫn đến việc thay đổi trong phân bổ nhiên liệu.
Thị trường dầu diesel bị thắt chặt đã đẩy giá lên mức cao kỷ lục. Theo RAC, giá dầu diesel tại Anh đã bao gồm thuế đang dao động gần mức cao nhất mọi thời đại ở mức 197,25 pence/lít tính đến ngày 15/7.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã giảm bớt giá dầu thô và giá nhiên liệu trong những tuần gần đây. Tuy nhiên giá khí đốt tăng vọt với mức gấp 10 lần trong vòng thập kỷ qua ở châu Âu có thể gây thêm áp lực lên thị trường dầu diesel.
Theo JPMorgan, giá khí đốt tự nhiên cao đến mức các công ty và nhà sản xuất năng lượng được khuyến khích chuyển sản xuất điện sang dầu diesel, điều này có thể khiến nhu cầu dầu tăng thêm 700.000 thùng/ngày trên toàn cầu vào mùa đông.
JPMorgan cũng cho biết thêm rằng: "Nhu cầu dầu bổ sung để sản xuất điện có thể thắt chặt hơn nữa thị trường diesel toàn cầu và có thể đưa giá dầu diesel lên một mức kỉ lục mới."
Tham khảo: FT, Bloomberg, Reuters