Nhánh cây 14 năm ‘sống’ trong phổi chàng trai người H’mông

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 10:22:35

Ê kíp phẫu thuật sau đó đã gắp ra một dị vật nhánh cây dài tới 6,5 cm, đường kính 0,9 cm, đâm xuyên qua thuỳ phổi phải, trong ca mổ cấp cứu cắt bỏ vào ngày 1/8 vừa qua. Bệnh nhân may mắn không phải cắt toàn bộ lá phổi.

Trong ký ức mơ hồ, một thanh niên 22 tuổi người H’mông kể khi 8 tuổi bị ngã, nhánh cây đâm vào ngực. 14 năm qua, cơ thể của chàng trai gầy gò, thường xuyên khó thở, ho sốt thất thường.

Nhành cây dài 6,5 cm được ekip mổ lấy ra từ trong phổi bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện Phổi Trung ương/Facebook)

Bệnh viện Phổi Trung ương mới đây cho hay về một trường hợp phổi có dị vật hy hữu. Nhớ “mang máng” không rõ ràng, Tráng Seo T. (SN 2000, ở làng Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) kể lại một lần đi chơi cùng các bạn và không may bị ngã trong rừng khi lên 8 tuổi, cho hay đó có thể là nguyên nhân khiến anh bị nhánh cây đâm vào thành ngực và gây ra những cơn ho ra máu, những cơn sốt thất thường trong suốt 14 năm qua.

Bác sĩ Khiếu Mạnh Cường, Khoa Phẫu Thuật Lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết dị vật đã tồn tại quá lâu trong phổi đâm xuyên qua thùy trên, một phần thùy giữa của phổi phải và gây tổn thương diện rộng. Đây cũng là lý do khiến bệnh nhân gầy gò, ốm yếu suốt nhiều năm qua.

Bệnh nhân T. cho hay từ nhỏ được bố mẹ đưa đi kiểm tra tại một vài bệnh viện (tuyến cơ sở) nhưng quá trình khám không dứt điểm, từ lần bị ngã vài năm mới đi khám một lần. Cho tới gần đây, anh mệt nhiều hơn, đến Bệnh viện Phổi Trung ương khám mới phát hiện phổi có dị vật.


“Đây là ca phẫu thuật loại bỏ dị vật phức tạp nhất mà chúng tôi từng gặp, dị vật có kích thước lớn và tồn tại quá nhiều năm trong phổi nên đã gây ra rất nhiều ổ viêm nhiễm, ổ mủ tồn dư cư trú trong khoang phổi” – bác sĩ Cường với hơn 20 năm kinh nghiệm cho hay.

Đảm nhận vị trí phẫu thuật viên chính của ca bệnh, bác sĩ Cường cho hay ban đầu, khi hội chẩn, các bác sĩ đánh giá có thể sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn lá phổi phải. Nhưng trong quá trình thực hiện, ekip luôn cân nhắc và quyết định làm gì tốt nhất cho người bệnh, mọi tư duy, mọi thao tác đều phải rất cẩn trọng và chính xác tuyệt đối.

Bác sĩ theo dõi hậu phẫu để phát hiện sớm những bất thường ở bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện Phổi Trung ương/Facebook)


“Dị vật và các phần tổn thương đươc loại bỏ trong khi đó phần phổi lành còn lại vẫn được bảo tồn đó là kết quả cho những nỗ lực và sự quyết tâm của toàn bộ ekip”, bác sĩ Cường cho biết thêm.

Nhìn bức ảnh nhánh cây dài hơn nửa chiếc bút bi đã “sống” trong lồng ngực suốt chừng ấy năm, T. bất ngờ và có chút hoảng sợ. Sau bao năm gầy yếu, khổ sở vì ho sốt, T. cho hay thấy hơi thở nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cuộc sống sẽ tốt lên và vô cùng biết ơn các y bác sĩ.

Hiện các bác sĩ tiếp tục theo dõi quá trình chăm sóc hậu phẫu, đánh giá các tổn thương lân cận tiềm tàng sau mổ để phát hiện sớm những bất thường.

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi có thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đi khám tại các Bệnh viện chuyên khoa sớm nhất để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân trên, nếu dị vật ở trong phổi lâu hơn ít nữa thì việc phải cắt bỏ hoàn toàn một lá phổi là điều khó tránh khỏi.

Minh Sơn

Chia sẻ Facebook