Nhãn trái vụ được mùa, được giá

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 01:18:24

Trong bối cảnh nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch với áp lực tiêu thụ lớn, ở Tây Nguyên, việc sản xuất, tiêu thụ nhãn trái vụ đang rất tích cực, cung không đủ cầu.


Lợi nhuận cao từ trồng nhãn trái vụ

Người trồng nhãn Hương Chi ở Tây Nguyên đang hết sức phấn khởi vì được mùa, được giá. Đặc biệt nhờ biết xử lý kỹ thuật cho cây nhãn ra hoa trái vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nên nhiều nông dân ở Tây Nguyên đang chuyển sang trồng loại cây này.

Trên 1,5 ha đất cát pha sỏi, 3 năm trước, ông Vũ Ngọc Xuân (xã Ea Tih, huyện Eakar, Đắk Lắk) quyết định bỏ mía chuyển sang trồng nhãn Hương Chi. Với sản lượng thu hoạch trung bình 12 - 24 tấn/ha/vụ, sau khi trừ đi mọi chi phí, ông Xuân lãi hàng trăm triệu đồng, gấp 5 lần so với trồng mía và sắn trước đây.

Người trồng nhãn Hương Chi ở Tây Nguyên đang hết sức phấn khởi vì được mùa, được giá. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)


"Tính thời gian từ lúc ép cho ra hoa đến lúc thu hoạch là thời gian mình nhắm được, từ 6 - 7 tháng, do vậy nó không trùng với vụ nhãn tháng 8 ngoài Bắc hoặc tháng 10 ở miền Tây", ông Vũ Ngọc Xuân, xã Ea Tih, huyện Eakar, Đắk Lắk, cho biết.

Với việc canh làm quả lệch vụ so với những vùng trồng nhãn khác trong cả nước, nên những năm gần đây, sản lượng và giá bán nhãn Hương Chi ổn định, thấp nhất tại vườn 25.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi, gấp 3 so với nhãn chính vụ.

Một ưu điểm của giống nhãn này là ra rất nhiều đợt hoa, gặp thời tiết không thuận lợi, nếu đợt hoa đầu không đậu thì có đợt hai, đợt ba, do đó năng suất ổn định hơn các giống nhãn khác, sản lượng thu hoạch càng về vụ sau càng cao hơn những vụ trước.

Hiện nay huyện Eakar có khoảng 1.200 ha trồng nhãn Hương Chi, với gần 1.300 hộ trồng, nhiều nhất tỉnh Đăk Lăk, và đang tiếp tục mở rộng vùng trồng.


Nhãn trái vụ hút hàng tại thị trường nội địa

Nhờ làm chủ được kỹ thuật để nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ và thu hoạch, trong khi còn vài tháng nữa mới tới mùa thu hoạch nhãn chính vụ, nên nhãn Hương Chi tại Tây Nguyên đã đáp ứng nhu cầu khi thị trường khan hiếm loại trái cây này. Để có thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều hợp tác xã đã đồng hành cùng với nông dân.

Những chùm nhãn Hương Chi vừa cắt cành tươi mới và quả to đều liên tục được đóng thùng và xuất bán trong 4 tháng qua. Nhãn thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí không đủ cung ứng cho thị trường trong nước.

"Thị trường luôn hút hàng, các chợ đầu mối, các nhà hàng luôn luôn gọi đặt hàng. Ví dụ như hôm nay họ gọi tôi lấy hơn 10 tấn, nhưng chỉ đủ cung cấp 6 - 7 tấn", bà Đỗ Thị Huệ, Phó Giám đốc HTX Trường Xuân, xã Ea Tih, huyện Eakar, Đắk Lắk, cho hay.

"Hiện năm nay, giá nhãn trung bình 26.000 - 27.000 đồng/kg, nếu như giá như bây giờ thì ổn định, sống được. Nói chung tầm 25.000 - 27.000 đồng/kg trở lên là nông dân phấn khởi", bà Phương Thị Hiền, xã Ea Tih, huyện Eakar, Đắk Lắk, chia sẻ.

Không những sạch vì trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mà sự khác biệt về chất lượng, hương vị đặc trưng khi trồng ở vùng đất Tây Nguyên, nên nhãn Hương Chi được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Quả to, cơm dày và khô, hương vị ngọt thanh, đặc biệt là có thể để được bên ngoài từ 7 - 10 ngày là nguyên nhân chính giúp nhãn Hương Chi luôn hút hàng. Nhãn Hương Chi chủ yếu được tiêu thụ trong nước, một số ít đã được xuất khẩu.

"Hiện tại chủ yếu thị trường tiêu thụ trong nước, chiếm 95%, còn một số rất ít là xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, thông qua một số doanh nghiệp thu mua", ông Trần Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Eakar, Đắk Lắk, cho biết.

Thị trường nhãn Hương Chi trái vụ mặc dù hút hàng, mang lại thu nhập khá cho nông dân nhưng đó là do diện tích vùng trồng chưa mở rộng nhiều. Nhiều địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn trái vụ.


Xây dựng chuỗi liên kết hướng đến xuất khẩu

Thị trường đang ưa chuộng và trồng nhãn trái vụ đang là hướng đi mới. Tuy nhiên, trước khi diện tích trồng tăng lên mạnh, việc xây dựng chuỗi liên kết đầu ra ổn định cho nhãn trái vụ cần được tính tới ngay từ bây giờ.

Gia đình bà Phương Thị Hiền tham gia trồng nhãn theo chuẩn VietGAP. Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, hợp tác xã đều đến vườn nhãn để hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi nông dân có tuân thủ đúng quy trình chăm sóc hay không. Đổi lại, hiện tại nông dân không phải lo về đầu ra, vì đã có hợp tác xã bao tiêu, nhưng nhìn về lâu dài, nông dân rất sợ bị rơi vào vòng lẩn quẩn tiêu thụ bấp bênh như nhiều loại nông sản khác khi người người đổ xô trồng nhãn trái vụ.

Trồng nhãn trái vụ đang là hướng đi mới. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)


"Vấn đề ở chỗ là về giá, về bảo quản. Nếu bảo quản sau thu hoạch được tốt thì giá sẽ ổn định hơn", ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Eakar, Đắk Lắk, đánh giá.

Hiện tại, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có diện tích trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP còn ít, số hợp tác xã bao tiêu cũng chưa nhiều, cũng chưa có mã vạch vùng trồng nên để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, vẫn còn nhiều việc phải làm.

"Cần phải tổ chức lại để có vùng sản xuất tập trung, có tiêu chuẩn chất lượng, có chứng nhận và từ đó kết nối với các doanh nghiệp để đưa vào các thị trường. Còn nếu chúng ta chỉ bán tự phát, bán cho thương lái thì giá cả không ổn định", ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhận định.

"Muốn sản phẩm đến được thị trường cả trong và ngoài nước thì những sản phẩm này phải đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ, trên cơ sở đó đảm bảo được phát triển được thương hiệu của sản phẩm hàng hóa đó", ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh.

Để nâng cao giá trị sản phẩm và đi được xa hơn, đến được nhiều nước trên thế giới hơn, bên cạnh việc xây dựng vùng trồng chất lượng, cấp chứng chỉ địa lý, đầu tư về máy móc, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhãn Hương Chi cần được đầu tư khâu chế biến sâu, xây dựng, quảng bá thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch bền vững.

Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực đang có thế mạnh nhất về nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch để nông sản có thể xuất khẩu được. Đây được xem là cơ hội để nhãn Hương Chi và nhiều loại cây trồng khác vươn ra thị trường thế giới.

Chia sẻ Facebook