'Nhân tố Putin' trong bầu cử Pháp
Hiện nay, ngoài cuộc chiến Nga - Ukraine, người dân EU quan tâm nhất là bầu cử tổng thống Pháp. Với 68 triệu dân, Pháp là nước đông dân thứ hai trong khối, vì thế kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng đáng kể tới EU trong ít nhất 5 năm tới.
Cho dù với nhiều cử tri Pháp, xung đột Nga - Ukraine không quan trọng bằng kế hoạch tăng giá xăng đầu, tăng hay giảm tuổi nghỉ hưu, nhưng với Brussels, sự chọn lựa của họ vào ngày 24-4 sẽ cho thấy nước Pháp ngả về khuynh hướng nào, trung hữu hay cực hữu, thân EU hay thân thiết với Nga.
Tín hiệu từ vòng một
Sau khi bà Angela Merkel rời chức thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nghiễm nhiên được coi như người đảm đương vị trí "đầu tàu" của EU, do về kinh nghiệm lãnh đạo lẫn uy tín quốc tế, ông Macron trội hơn hẳn thủ tướng Đức hiện nay là ông Olaf Scholz.
Từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, ông Macron - với cương vị lãnh đạo nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU - đã nhiều lần điện đàm với ông Putin dù đang trong chiến dịch tranh cử.
Dù các cuộc gặp không mang lại kết quả khả quan nhưng cũng giúp ông Macron khẳng định vai trò "đầu tàu" của mình, và quan trọng hơn, nhấn mạnh vào sự khác biệt với đối thủ chính - bà Marine Le Pen.
Đối với EU, từ năm 2019, bà Le Pen không còn hô hào Pháp rời khỏi EU và khối eurozone nữa nhưng vẫn phản đối Hiệp ước Lisbon 2009 cho là kìm hãm sự phát triển của Pháp. Bà cũng phản đối chuyện kết nạp Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và kêu gọi Pháp rời bỏ NATO.
Thăm dò của báo tài chính Les Echos công bố ngày 11-4 cho thấy ông Macron dự kiến được 55% số phiếu trong vòng hai so với 45% của bà Le Pen. 71% người được hỏi cũng nói sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 24-4.
Tuy ông Macron đã nhận được 27,9% phiếu bầu trong vòng một, nhưng điều đáng nói là 23,2% cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen. Chưa bao giờ một ứng cử viên cực hữu đạt được kết quả tốt như vậy trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp ở vòng đầu tiên.
Kỳ bầu cử này cũng cho thấy sự sa sút của các đảng phái giàu truyền thống. Valérie Pécresse của Đảng bảo thủ trung hữu Những người cộng hòa của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy chỉ được 4,8% số phiếu.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, thuộc Đảng Xã hội của cựu tổng thống François Hollande, còn kém hơn, chỉ có 2%. Ông Yannick Jadot của Đảng Xanh cũng chỉ được 4,4%, dù môi trường là một trong những chủ đề được cử tri quan tâm nhất.
Cơ hội nào cho hai ứng viên?
Trong vòng hai, nếu những cử tri này quay sang ủng hộ ông Macron thì tỉ lệ phiếu bầu có thể tăng thêm gần 12%. Ông Macron cũng có khả năng nhận được phiếu của 22% cử tri đã bầu cho ông Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên cánh tả cực đoan, vì ông này đã kêu gọi họ không bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Bà Marine Le Pen có thể hy vọng vào số cử tri đã ủng hộ các ứng cử viên hữu khuynh hay trung dung ở vòng một và tranh thủ thêm ở 26% cử tri đã không đi bỏ phiếu trong vòng một.
Nếu ông Macron thắng ở vòng hai thì đó sẽ là lần đầu tiên một tổng thống trung hữu bị vây bởi hai phe cực hữu và cực tả.
Ông Macron được xem là người ủng hộ cải cách, đặc biệt là đối với bộ máy hành chính nổi tiếng cồng kềnh của Pháp. Năm 2021, kinh tế Pháp đã ghi nhận mức tăng GDP lên tới 7%, cao nhất kể từ năm 1969 (mức tăng của khu vực eurozone chỉ là 5,2%). Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 9,5 xuống 7,4%.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, ông Macron tuyên bố sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 - một điều có lẽ không hấp dẫn đối với nhiều người Pháp. Một vấn đề nữa là phong trào biểu tình Áo Gilê vàng, bắt đầu từ năm 2018, có khả năng rục rịch trở lại để phản đối kế hoạch đánh thuế xăng dầu của chính phủ.
Phía bà Le Pen thì muốn tranh thủ những người có thu nhập thấp. Khi tranh cử, bà Le Pen tuyên bố muốn ngăn chặn việc tăng giá bằng cách bãi bỏ thuế VAT đối với thực phẩm và xăng dầu, hạ tuổi nghỉ hưu xuống 60. Các vấn đề kinh tế, xã hội tồn tại dai dẳng đã khiến nhiều cử tri bỏ phiếu cho bà Le Pen dù không tán thành đường lối cực hữu.
Từ giờ đến ngày bầu cử, ông Macron phải cho cử tri Pháp thấy là có thể cung cấp các giải pháp thực sự cho những thách thức khiến họ lo lắng. Với người dân trong khối EU, họ chỉ mong ông Macron thắng đơn giản vì ông ấy không thân với Putin!
Bà Le Pen vốn có quan hệ thân thiết với ông Putin từ nhiều năm qua. Đảng Tập hợp quốc gia của bà còn là thân chủ của một ngân hàng Nga.
Bà Le Pen đã ngả về Nga trong chuyện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, thậm chí còn đến Nga gặp Tổng thống Putin vào năm 2017.
Trong xung đột Nga - Ukraine hiện nay, bà Le Pen có lên tiếng phản đối chiến tranh, bày tỏ thương cảm với người dân Ukraine nhưng không tán thành chuyện trừng phạt Nga.
Bà Marine Le Pen lần thứ hai liên tiếp bước vào vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp. Điều gì sẽ chờ đón bà cùng tư tưởng “quốc gia trên hết”, vốn đang lên ngôi ở châu Âu sau Brexit?