Nhân sự công nghệ Trung Quốc bị sa thải hàng loạt, chật vật tìm việc làm mới
Thị trường việc làm Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng sa thải quy mô lớn.
Sau khi bị một tập đoàn công nghệ Bắc Kinh sa thải hồi đầu năm, Becky Sun nộp hồ sơ xin việc tại 80 công ty khác nhau. 20 lời mời phỏng vấn đã được gửi tới, song tất cả đều yêu cầu cắt giảm lương ít nhất 50%. Người phụ nữ từng giữ vị trí quản lý trong tập đoàn công nghệ giờ đây đang rất sốt ruột.
“Những vị trí còn trống không dành cho cấp quản lý nữa’’, Becky Sun, hơn 30 tuổi cho biết. “Thị trường việc làm đang tồi tệ chưa từng thấy’’.
Sau khi một ca nhiễm COVID-19 được phát hiện gần nơi Becky đi phỏng vấn xin việc, cô còn bị đưa vào diện cách ly tại nhà 2 tuần.
“Chúng tôi không thể rời khỏi nhà”, cô nói. “Chúng tôi đã mua một đống thức ăn tích trữ và sau đó họ phong tỏa”, Becky kể, đồng thời cho biết mình vẫn đang thực hiện các cuộc phỏng vấn qua video để thử vận may.
“Tìm việc chưa bao giờ khó đến thế này”, một nhân sự 37 tuổi họ Qi cho biết sau khi mất việc tại công ty gọi xe thuộc tập đoàn Didi Chuxing. “Tôi đã bị cắt giảm 30% lương cho công việc mới. Tôi không hài lòng đâu nhưng năm nay rất khó khăn và tôi buộc phải làm,” anh nói.
LÀN SÓNG SA THẢI
Thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, trong suốt khoảng thời gian dài, đã phải chịu một loạt các biện pháp trừng phạt sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình siết chặt quy mô và phạm vi hoạt động của các Big tech. Hệ lụy là một làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ ở quy mô chưa từng có đã xảy ra, khiến 2 tỷ USD vốn hóa bị xóa sổ.
Sự đau đớn của thị trường diễn ra vào đúng thời điểm Trung Quốc tuyên bố các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, qua đó khiến tăng trưởng kinh tế của đại lục tạm chững. Triển vọng này u ám đến mức hồi tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã triệu tập 100.000 quan chức đến một hội nghị truyền hình toàn quốc và thúc giục họ hành động để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong năm qua, thị trường lao động Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng cắt giảm việc làm, đóng băng nhân sự và giảm lương quy mô lớn. Rắc rối lan rộng ra toàn ngành, từ những công ty nhỏ lẻ đến các đại gia như gã khổng lồ truyền thông xã hội Tencent và thương mại điện tử Alibaba.
Tháng trước, các giám đốc điều hành tại Tencent và Alibaba tuyên bố "kiểm soát chi phí" là mục tiêu hàng đầu trong chương trình nghị sự, đồng thời lặp lại tôn chỉ này hơn hàng chục lần trong các cuộc đàm phán với lãnh đạo Phố Wall.
Giám đốc điều hành Tencent, ông James Mitchell, cho biết công ty đang giảm tốc các chương trình tuyển dụng. Chủ tịch Tencent Martin Lau Chi-ping cũng thông báo thanh lọc một số mảng kinh doanh không hoạt động để kiểm soát số lượng nhân viên. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng đang triển khai nhiều đợt cắt giảm nhân sự nhằm vào các đơn vị bao gồm DingTalk, Alibaba Cloud, Taobao và Taobao Deals.
Thống kê việc làm của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động trẻ từ 18 đến 24 tuổi đã tăng lên mức kỷ lục 18,4% trong tháng Năm. Hơn 10 triệu sinh viên đại học sắp tốt nghiệp sẽ sớm gia nhập đội ngũ những người “săn việc làm’’.
Đầu tháng 4, một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi thông báo sa thải của một số công ty công nghệ Trung Quốc đã thay thế cụm từ "Xin lỗi, bạn đã bị chấm dứt hợp đồng" thành "Chúc mừng, bạn đã tốt nghiệp".
Dù đây được coi như một cách để "tối ưu hóa" chi phí kinh doanh, song việc sử dụng thuật ngữ "tốt nghiệp" không nhận được sự đồng tình từ đông đảo người dân đại lục.
Bất lực, giới trẻ Trung Quốc cho ra đời thuật ngữ “bailan’’ (Hãy để nó “thối rữa”) nhằm thể hiện sự buông xuôi, từ bỏ hy vọng xin việc vì cố gắng là vô ích. Thuật ngữ “nằm thẳng” cũng đang được sử dụng rộng rãi để chỉ thái độ thụ động, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
“MÙA ĐÔNG CỦA INTERNET”
Theo Financial Times, công cuộc sa thải bắt đầu vào năm ngoái trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến sau khi Bắc Kinh cấm mô hình kinh doanh của ngành. Hồ sơ công khai cho thấy 5 tập đoàn edtech niêm yết công khai lớn nhất Trung Quốc đã cắt giảm tổng cộng 175.000 công nhân và giáo viên, tính đến cuối tháng Hai. Các công ty kinh doanh thua lỗ cũng phải đối mặt với các quy định mới và sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý, bao gồm trang web video trực tuyến iQiyi, nền tảng video ngắn Kuaishou và công ty gọi xe chung Didi.
“Mùa đông của lĩnh vực Internet đã đến,” Kiro Lu, một cựu giám đốc sản phẩm của Tencent cho biết. “Số lượng các công ty tìm kiếm nhân sự đến nói chuyện với tôi ít hơn trước nhiều”.
Rất may, sau khi nghỉ việc tại công ty cũ, người đàn ông này đã tìm được việc mới tại một công ty khởi nghiệp nhỏ với mức lương thấp hơn so với trước đây.
Theo một chuyên gia về tìm kiếm nhân sự, có công ty còn chuyển từ tuyển dụng các nhân sự công nghệ sang tuyển dụng lao động cho các công ty đa quốc gia nước ngoài.
“Trước đây, có nhiều cơ hội việc làm song bây giờ, động lực cung và cầu đang thay đổi”, người này cho biết. “Nhu cầu về tài năng cốt lõi vẫn còn song đối với những nhân viên công nghệ có thể thay thế, họ đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề’’.
Một số người từ bi quan chuyển sang chấp nhận thực tại, trong đó có Myron Li, một chuyên gia tiếp thị của công ty bất động sản trực tuyến KE Holdings. Anh cho biết mình đang dành khoản tiền trợ cấp thôi việc để đi du lịch khắp miền nam Trung Quốc.
Một kỹ sư khác vừa bị Tencent sa thải cũng cho biết sẽ không ngay lập tức tìm việc làm mới.
“Hiện tại đang bế tắc nên tôi chỉ ở nhà, xem phim tài liệu và đọc sách”, anh nói.
Theo: Financial Times
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế