Nhận nuôi bé gái đỏ hỏn, bố mẹ thiếu thốn vẫn cố để con đủ đầy

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 15:40:32

Hiểu được sự hy sinh bố mẹ nuôi dành cho mình, chị Trang luôn nỗ lực học tập, làm việc, mong sớm báo đáp công ơn dưỡng dục. Chị tự nhủ sẽ không bao giờ rời xa bố mẹ.


Chẳng phải tự nhiên mà các cụ ta từ xưa hay có câu: "Công sinh không bằng công dưỡng", và câu chuyện về cô gái Dương Thu Trang (sinh năm 1997, Hà Nội) cũng vậy. Được bố mẹ nuôi chăm sóc từ khi còn đỏ hỏn, Trang luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian.

Chia sẻ trên Vietnamnet, Trang cho biết vì hoàn cảnh nên bố mẹ đẻ của cô phải gửi con cho vợ chồng ông Dương Văn Kỹ và bà Đinh Thị Toán nhờ nuôi giúp. Đón Trang về trong một ngày mưa tầm tã, rét thấu xương, ông Kỹ chẳng nghĩ ngợi nhiều mà nhường ngay chiếc áo mưa duy nhất để ủ ấm cho con.

Được bố mẹ nuôi chăm sóc chu đáo, Trang giờ đây đã trưởng thành, là cô gái xinh đẹp. (Ảnh: Vietnamnet)

Kể từ đó, vợ chồng ông bà Kỹ dành hết tình yêu thương, sự quan tâm cho cô con gái bé bỏng. Dù chẳng dư dả nhưng lúc nào Trang cũng được bố mẹ dành cho những thứ tốt nhất, từ hộp sữa cũng phải là sữa ngoại, cứ rảnh rỗi là cô lại được bố đưa lên huyện chơi, đi ăn kem, mua đồ chơi, quần áo mới.

Bà Toán chưa từng có kinh nghiệm làm mẹ nhưng vẫn chăm chút con chu đáo. Trong ký ức của Trang, mẹ là người chăm chỉ, chẳng bao giờ mắng cô. Ngày nào bà cũng đưa đón Trang đi học vì sợ con về một mình không an toàn.

Trang rất thương bố mẹ nuôi. (Ảnh: Vietnamnet)

Được bố mẹ yêu thương như "khúc ruột" nhưng cũng có lúc cô phải nghe những lời trêu chọc, nói rằng mình là "con hoang". Tuy nhiên cô không buồn mà chỉ thấy thương bố mẹ đã hy sinh quá nhiều vì mình và yêu họ hơn.

Đáp lại sự chăm lo của vợ chồng ông Kỹ, Trang tập trung học hành rồi đỗ đại học ở Hà Nội. Dù rất vui vì con gái giỏi giang nhưng ông bà cũng lo lắng chẳng biết lấy tiền đâu vì bao năm qua, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào việc đồng áng.

Ông Kỹ rất thương con gái, sẵn sàng làm mọi thứ vì con. (Ảnh: Vietnamnet)

Thời điểm đó, bà Toán quyết định đi làm thuê nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Thấy vậy, ông Kỹ liền giấu vợ con vào Vũng Tàu nhận việc với hy vọng kinh tế gia đình ổn định hơn. Trước ngày ông lên đường, dường như có linh cảm nên Trang về thăm nhà. Thấy một chiếc túi bé ở trên giường, cô hỏi thì bố nói là đồ dọn dẹp ra nên không nghi ngờ gì.


Sáng hôm sau, cô trở lại Hà Nội nhưng lại không thấy bố đưa ra bến xe. Lát sau, ông Kỹ gọi điện nói chuyện cô mới biết: "Trong điện thoại, bố dặn dò: 'Con cố gắng học rồi Tết vào với bố'. Tôi nghe rõ tiếng bố khóc trong điện thoại”, Trang kể lại trên Vietnamnet.

Với vợ chồng ông Kỹ, Trang chính là món quà quý giá ông trời ban tặng. (Ảnh: Vietnamnet)

Nhưng đời không như mơ, việc Nam tiến của ông không thành nên hai vợ chồng đành bảo nhau cố gắng cày cuốc. Năm tháng qua đi, giờ đây Trang đã ra trường và có công việc ổn định tại Hà Nội. Ngày nào cô cũng gọi điện về hỏi thăm bố mẹ.


Nói về bố mẹ ruột, Trang cho biết 2 bên vẫn giữ liên lạc song cô tự nhận thấy tình cảm với họ không gắn bó như với bố mẹ nuôi. "Số trời đưa tôi về đây tức là tôi có duyên làm con bố mẹ. Thế nên, tôi không bao giờ có ý định rời xa họ", cô gái trẻ bày tỏ.

Nhiều người xúc động trước câu chuyện về gia đình của Thu Trang. (Ảnh: Chụp màn hình Vietnamnet)

Trang hiểu rằng bố mẹ nuôi đã dành cả tấm lòng và yêu thương mình vô điều kiện nên lúc nào cô cũng thầm nhủ trong lòng phải cố gắng hơn nữa để đền đáp công ơn.

Giống như Thu Trang, chàng trai Nguyễn Như Huyến ở thôn Lập Ái, xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng được mẹ Nguyễn Thị Bảnh nhận nuôi từ khi mới 3 tháng tuổi. Dù không chung huyết thống, gia cảnh khốn khó như bà Bảnh vẫn gắng nuôi con nên người.

Hình ảnh của bà Bảnh và Huyến cách đây nhiều năm. (Ảnh: Quỹ Khát Vọng)

VnExpress viết, bà Bảnh vốn bị khiếm thị, một bên mắt không nhìn thấy gì, bên còn lại chỉ còn 20% thị lực. Một thời sau khi nhận nuôi Huyến, chồng bà Bảnh ra đi. Đó cũng là lúc Huyến phát hiện mình chỉ là con nuôi nên hết sức suy sụp.

Suốt một khoảng thời gian dài, Huyến chán nản, bỏ học đi lang thang. Bà Huyến cố gắng động viên con nhưng vẫn không khá hơn. Sau đó, Huyến được cô giáo chủ nhiệm khuyên nhủ nên hiểu rằng chỉ có học mới là con đường ngắn và nhanh nhất dẫn đến thành công.

Từng có khoảng thời gian Huyến muốn buông bỏ mọi thứ. (Ảnh: Dân Việt)

Kể từ đó, Huyến vừa chăm chỉ học tập và đi làm thêm phụ giúp mẹ. Bản thân bà Bảnh không những bị mất thị lực mà sức khỏe cũng ngày càng suy giảm, mắc bệnh xương khớp. Thế nhưng để có tiền lo cho con, bà vẫn cố gắng cấy cày.

Nỗ lực của 2 mẹ con đã được đền đáp khi chàng trai giành được học bổng Toàn phần "Trái tim sư tử" trị giá 1 tỷ đồng của Đại học Anh quốc tại Việt Nam và trợ cấp sinh hoạt phí 8 triệu đồng/tháng.

Người mẹ khiếm thị hạnh phúc khi con trai ngày càng trưởng thành. (Ảnh: Quỹ Khát Vọng)

Hiện tại, Huyến đang theo học Đại học Anh quốc tại Việt Nam. Sau khi ra trường, Huyến sẽ nhận được bằng tốt nghiệp Đại học quốc tế, có giá trị toàn cầu, tương lai vô cùng rộng mở.

Sau bao khó khăn, chàng trai đã có tương lai rộng mở. (Ảnh: Quỹ Khát Vọng)

Có lẽ chính tình thương vĩ đại của những người bố mẹ nuôi đã trở thành động lực để cả Thu Trang và Như Huyến vươn lên. Đó chính là sức mạnh tình thân, có thể vực chúng ta dậy trước mọi khó khăn.


Còn bạn, bạn có suy nghĩ sao về câu chuyện này? Cùng để lại bình luận với YAN nhé!

Không phải ai sinh ra cũng may mắn được sống trong gia đình đủ đầy bố mẹ, điều kiện kinh tế vững vàng. Và đó chính là lúc thử thách ý chí, lòng quyết tâm của mỗi người để vượt qua nghịch cảnh. Khi đã chiến thắng khó khăn, chắc chắn chúng ta sẽ luôn vững vàng, gặp biến cố cũng không chùn bước.

Thu Trang và Như Huyến chính là 2 minh chứng rõ ràng nhất cho việc chiến thắng số phận. Và họ đã lấy tình thương của những người bố mẹ nuôi để làm điểm tựa tinh thần vững chắc. Thế mới thấy, đôi khi chẳng cần cùng chung huyết thống mới là gia đình.


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook