Nhan Lương đánh bại Từ Hoảng trong 20 hiệp, vì sao Quan Vũ không thể? Lý do rất đơn giản
Dễ dàng chém chết Nhan Lương nhưng Quan Vũ không thể đánh bại được Từ Hoảng trong 20 hiệp, hoá ra là vì lý do này.
Trong số các anh hùng, hào kiệt thời Tam Quốc, Quan Vũ được coi là một trong những nhân vật có danh tiếng bậc nhất. Không chỉ có khả năng chiến đấu tuyệt vời, dũng mãnh, Quan Vũ còn nổi tiếng là danh tướng trung nghĩa, hết lòng phò tá Lưu Bị và nhà Thục Hán. Quan Vũ chính là một "hổ tướng", trợ thủ đắc lực cho Lưu Bị trong quá trình gây dựng cơ nghiệp.
Trong khi đó, Từ Hoảng , tự Công Minh, cũng được coi là danh tướng của Tào Tháo và nhà Tào Nguỵ. Từ Hoảng có tài năng quân sự xuất sắc, lập được không ít chiến công. Trong Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ đã xếp Từ Hoảng vào hàng 5 võ tướng dũng mãnh nhất của Tào Nguỵ, cùng với Nhạc Tiến, Trương Cáp, Trương Liêu và Vu Cấm.
Điểm chung giữa Quan Vũ và Từ Hoảng là cả hai từng giao đấu với Nhan Lương, một võ tướng dũng mãnh và được đánh giá là nổi bật nhất của Viên Thiệu, một trong những thế lực chư hầu hùng mạnh nhất cuối thời Đông Hán.
Nhưng có một nghịch lý là Nhan Lương từng đánh bại Từ Hoảng trong 20 hiệp, trong khi Quan Vũ không thể làm được. Để lý giải nguyên nhân, trước hết cần phải phân tích về hoàn cảnh chiến đấu của Quan Vũ trong hai trận giao đấu ấn tượng này.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, chém Nhan Lương được coi là một trong những chiến tích ấn tượng nhất của Quan Vũ. Theo đó, Quan Vũ xông thẳng vào thế trận của quân địch, quân Hà Bắc lúc đó bị rẽ đôi như sóng nước. Quan vũ xông tới và vung Thanh Long Yển Nguyệt Đao về phía Nhan Lương.
Nhan Lương không kịp trở tay nên bị đâm ngã xuống ngựa. Quan Vũ cắt lấy thủ cấp của Nhan Lương treo lên cương ngựa và thu đao rút về như vào chỗ không người.
Việc Quan Vũ một mình một ngựa đột phá vòng vây và chém Nhan Lương có thể coi là chiến tích mà gần như không có nhiều người có khả năng tái hiện.
Tại sao Quan Vũ có thể dễ dàng giết chết Nhan Lương chỉ bằng một đao? Hơn nữa, Nhan Lương là mãnh tướng từng khiến một trong những võ tướng giỏi nhất của Tào Tháo là Từ Hoảng cũng phải chịu thua sau 20 hiệp.
3 nguyên nhân Quan Vũ dễ dàng chém Nhan Lương
Theo các chuyên gia, sở dĩ Quan Vũ có thể dễ dàng chém Nhan Lương là nhờ có 3 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, khi Quan Vũ xông tới, đại quân của Nhan Lương chủ động mở đường. Vì sao? Trong một cuộc đối đầu bình thường giữa hai đại quân, các tướng lĩnh sẽ bày binh bố trận, do đó rất khó để một tướng có thể xông thẳng vào đội hình của đối phương.
Vì sao Quan Vũ lại có thể dễ dàng xông vào giữa vạn quân địch như ra vào chỗ không người như vậy?
Nguyên nhân rõ ràng là thuộc hạ của Nhan Lương đã nhận được chỉ thị của cấp trên, nếu không Quan Vũ dù võ nghệ cao thâm đến đâu cũng không thể đơn thương độc mã xông vào giữa vạn quân.
Thứ hai, chủ tướng trong đội hình chiến đấu thời xưa thường có các tướng cận vệ xung quanh. Nhan Lương cho rằng Quan Vũ không có sự uy hiếp gì với mình. Chính vì vậy, một chủ tướng nhiều kinh nghiệm chiến đấu như Nhan Lương mới chấp nhận cho Quan Vũ tấn công trực diện như vậy mà không có sự ngăn cản của các cận vệ.
Thứ ba, Nhan Lương không hề có biểu hiện sẵn sàng chiến đấu, ngược lại khi Quan Vũ xông tới còn muốn hỏi ngược lại. Nhan Lương tuy là một võ tướng thiện chiến nhưng lại không có sự chuẩn bị khi Quan Vũ tấn công.
Với ba nguyên nhân trên, rõ ràng việc Quan Vũ chém Nhan Lương không phải là một cuộc đơn đấu công bằng. Nhan Lương không hề có sự chuẩn bị.
Thậm chí, ban đầu Nhan Lương còn tỏ ra có thiện chí với Quan Vũ. Bởi nếu không có lệnh của Nhan Lương, Quan Vũ cũng không thể dễ dàng phá vỡ vòng vây trước hàng vạn quân địch. Vì Nhan Lương chưa sẵn sàng chiến đấu nên chiến tích chém Nhan Lương của Quan Vũ chỉ có thể coi là một cuộc tấn công bất ngờ. Ngoài ra, Quan Vũ còn có ngựa quý là Xích Thố với tốc độ di chuyển rất nhanh nên khiến Nhan Lương không kịp trở tay.
Nếu có một cuộc đơn đấu công bằng thì Quan Vũ chưa chắc đã giết được Nhan Lương và kết cục cũng rất khó lường trước. Bởi trước đó, ngay cả Từ Hoảng cũng bị Nhan Lương đánh bại chỉ trong 20 hiệp.
Nguyên nhân hoá ra rất đơn giản
Quan Vũ và Từ Hoảng đều là người quen cũ. Hơn nữa, Từ Hoảng là bạn của Quan Vũ. Tình cảm giữa hai người không hề đơn giản. Khi Quan Vũ tạm đầu hàng Tào Tháo vào năm 200, trong doanh trại của Tào Tháo, Từ Hoảng và Trương Liêu chính là hai mãnh tướng có quan hệ tốt với Quan Vũ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, xét về sức chiến đấu, Quan Vũ thực sự mạnh hơn Từ Hoảng.
Điều này có thể được minh chứng ở Thổ Sơn. Sau khi thất bại nặng nề trước sự tấn công của đại quân Tào, Lưu Bị phải tháo chạy sang Nhữ Nam để nương nhờ Viên Thiệu, Trương Phi phải lánh nạn ở Cổ Thành, còn Quan Vũ thì bị vây khốn ở Thổ Sơn.
Trước đó, Tào Tháo đã lệnh cho Hạ Hầu Đôn nhử Quan Vũ ra khỏi Hạ Phì để đánh nhau, sau đó lệnh cho Hứa Chử và Từ Hoảng hợp lực để chặn đánh Quan Vũ, rồi từ đó mới có thể dụ quy hàng. Thế nhưng kết cục thật bất ngờ. Quan Vũ đã trực tiếp đẩy lui được hai mãnh tướng này. Khi đang định trở về Hạ Phì thì Hạ Hầu Đôn lại chặn đánh, do đó Quan Vũ đành phải lên Thổ Sơn để đóng quân tạm nghỉ.
Từ trận chiến này có thể thấy rằng rõ ràng khả năng chiến đấu của Quan Vũ mạnh hơn nhiều so với Từ Hoảng.
Tuy nhiên, trong trận chiến Tương Dương – Phàn Thành năm 219, vì sao Quan Vũ lại không hạ được Từ Hoảng trong 80 hiệp? Thực ra nguyên nhân rất đơn giản, đó là vì Quan Vũ vừa trải qua một cuộc phẫu thuật cạo xương để trừ bỏ chất độc do bị trúng tên, cánh tay phải cũng không thể dùng nhiều sức.
Cuộc phẫu thuật dù rất thành công nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, cánh tay của Quan Vũ đương nhiên chưa thể phục hồi như trước. Cánh tay không thể dùng nhiều sức thì sức lực khi giao đấu cũng bị suy giảm. Chính vì lý do này mà Quan Vũ không thể hạ được Từ Hoảng trong 80 hiệp giao đấu.
Mặt khác, thời điểm giao đấu tại Phàn Thành, Từ Hoảng cũng đang trong đỉnh cao của sức lực chiến đấu. Do đó, việc Quan Vũ vẫn chưa hồi phục giao đấu với một "hổ tướng" đang sung sức như Từ Hoảng là không hề dễ dàng. Có thể giao đấu với Từ Hoảng trong 80 hiệp đã cho thấy khả năng vượt trội của Quan Vũ lúc bấy giờ.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu, 163
Theo Minh Hằng
Pháp luật và Bạn đọc