Nhân lực logistics TP.HCM: Vừa thiếu vừa yếu

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 16:07:03

Theo Sở Công thương TP.HCM, nguồn nhân lực Logistics hiện nay mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ thì thiếu rất nhiều.


TP.HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2025, logistics đóng góp 10% và đến năm 2030 đạt 12% GRDP của thành phố. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực.


Cung không đủ cầu

TP.HCM tập trung đến 54% doanh nghiệp logistics của cả nước. Nhưng đến nay, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Tony Tuấn – Giám đốc Công ty Công ty Projects Shipping, doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng xuất nhập khẩu thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc cho biết, 5 năm qua, nguồn nhân lực của công ty luôn biến động, nhất là nhân lực chất lượng cao ở bộ phận kinh doanh.

Theo ông Tuấn: "Công ty logistics nào cũng thiếu, thiếu nhân sự chất lượng tốt, phát triển bộ phận kinh doanh cần người am hiểu thị trường logistics và hiểu biết các quy trình… do đó tìm được nhân sự hội tụ nhiều yếu tố này rất khó. Bộ phận này làm việc trực tiếp với khách hàng theo dõi lô hàng nếu nhân viên đó làm không tốt thì khách hàng sẽ chuyển sang công ty logistics khác làm".

Ngành logistics phát triển tốt sẽ góp phần cho doanh nghiệp giảm chi phí

TP.HCM có 49 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Logistics. Mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh ngành này của các trường hơn 7.000 sinh viên và số sinh viên ra trường là khoảng 2.500. Dự báo đến năm 2030, nhân lực ngành Logistics Việt Nam cần 200.000 người, trong đó TP.HCM cần 10.000 lao động.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết thêm: "Nguồn nhân lực trình độ tham gia quản lý cấp cao và điều hành của ngành này vẫn thiếu hụt nên các doanh nghiệp phải đặt hàng cho các trường đại học. Các cơ sở đào tạo chú trọng đào tạo có sự tương tác kết nối giữa cơ sở đào và doanh nghiệp để quá trình đào tạo rút ngắn để ra sau khi trường nhân lực logistics có thể làm việc ngay".

Chất lượng nhân lực logistics yêu cầu ngày càng cao, nhất là nguồn nhân lực chiến lược. Họ không chỉ có trình độ chuyên môn tốt mà còn cần nhiều kĩ năng khác như: Đánh giá, phân tích rủi ro, xu hướng phát triển thị trường trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi logistics.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp buộc phải tự đào tạo nâng chất lượng nguồn nhân lực Logistics của mình.

Nhiều doanh nghiệp logistics cần nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ số trong các khâu dịch vụ của chuỗi dịch vụ này


"Nhìn nhận được những thách thức này, thời gian qua, chúng tôi triển khai nhiều hoạt động ứng dụng vào chiến lược phát triển nhân lực mang tính hiệu quả cao hơn; kế cả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo, cập nhật những xu hướng mới trên thế giới trong lĩnh vực này và chuyển nó thành các nội dung huấn luyện đào tạo nội bộ giúp cho nhân sự của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp cận được xu hướng của thể giới" - ông Lộc chia sẻ.


Phối hợp 3 nhà để nâng cao chất lượng đào tạo

Theo Phó Giáo sư –Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy- Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, nếu chúng ta chấm thang điểm 5 thì các vị trí nhân lực của ngành Logistics mới chỉ 2-3 điểm, mức có khả năng đáp ứng được công việc. Riêng nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho logistics thì dưới 2 điểm, không đủ khả năng đáp ứng.

Đây cũng là thực trạng rất nhức nhối của ngành này. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, một số trường trong đó có Trường Đại học Hoa Sen đang phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ: "Đầu tiên chúng ta phải hình thành hệ sinh thái 3 nhà, đó là nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Hệ sinh thái này phải tạo hệ sinh thái một nhà ở đó chúng ta sẽ chia sẻ được nguồn tài nguyên. Chúng ta phải làm được đó là 3 nhà này phải là 1 nhà ngay từ đầu, khi chúng ta kết hợp ngay từ đầu trở thành 1 nhà thì nhà trường sẽ đào tạo những phần liên quan tới trường, còn sinh viên, học viên sẽ học tại doanh nghiệp những phần cần phải học".

TP.HCM rất chú trọng phát triển ngành Logistics và đã có Đề án Phát triển ngành Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, Thành phố cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Chi phí Logistics của Việt Nam luôn cao hơn các nhiều nước khác trong khu vực


Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "TP.HCM đứng trước nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn nhân lực Logistics, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại năng suất lao động của chúng ta đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Chúng ta phải tính lại việc phát triển nguồn nhân lực từ việc quản trị đến vận hành… Lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm đến đến ngành logistics nên cần tìm ra những giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực".

Ngành Logistics đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Nếu TP.HCM giải quyết tốt những điểm nghẽn về nguồn nhân lực này sẽ thúc đẩy ngành Logistics phát triển, giảm chi phí và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, Thành phố sẽ tạo thêm động lực để tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Chia sẻ Facebook