Nhận hối lộ 42,6 tỷ, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đem cho vay và mua đất
Ông Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận số tiền lớn nhất, với 253 lần khi nhận 42,6 tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Tiếp tục phần xét hỏi của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, chiều ngày 12/7, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế .
Kiên là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng trong số 21 bị cáo bị truy tố tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự.
Bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết được giao nhiệm vụ làm Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2022.
Theo Kiên, bị cáo chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị chuyên môn, trình Thứ trưởng xem xét, duyệt các hồ sơ rồi sau đó trả lại những hồ sơ này cho các đơn vị. Kiên hoàn toàn không có thẩm quyền cấp phép các chuyến bay.
Do Thứ trưởng phụ trách mảng y tế dự phòng, nên liên quan đến chuyến bay giải cứu, Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình văn bản để Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, liên quan đến cáo cuộc của cáo trạng và lời khai của nhiều bị cáo là đại diện các doanh nghiệp cho rằng Kiên chủ động liên hệ với các doanh nghiệp và yêu cầu đưa tiền 150 triệu đồng/1 chuyến bay, Phạm Trung Kiên liên tục phủ nhận và cho rằng đây là những điều không đúng sự thật.
Theo đó, Kiên cho rằng từ tháng 6/2021, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ đã bắt đầu xét duyệt cấp phép các chuyến bay giải cứu. Do đó trong tháng 6,7/2021 nhiều chuyến bay đã thực thực hiện một cách bình thường mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía Bộ Y tế. Thời điểm này, Kiên khẳng định không có bất kỳ doanh nghiệp nào đến gặp, đặt vấn đề hay đưa tiền.
Khi HĐXX hỏi: Khi các doanh nghiệp chưa đến gặp bị cáo thì có bị cản trở cấp phép không?, Kiên tiếp tục quả quyết là “không có trường hợp nào Bộ Ngoại giao đề xuất mà Bộ Y tế không đồng ý”.
“Đến giữa tháng 7/2021, bắt đầu có doanh nghiệp (Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) đến gặp và đề nghị bị cáo hỗ trợ, giúp đỡ để có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay”, Kiên nói và cho biết từ đây nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp và đưa tiền nhờ Kiên giúp đỡ.
Kiên cũng cho rằng nếu doanh nghiệp không đưa tiền thì Kiên vẫn trình các hồ sơ theo đúng quy định chứ không có chuyện gây khó dễ.
“Ngay từ khi bắt đầu làm Thư ký, Thứ trưởng đã yêu cầu bị cáo phải giải quyết hồ sơ đúng quy định, không được gây khó khăn. Thứ trưởng còn nói: Nếu để “om” hồ sơ, chậm giải quyết thì bị cáo sẽ bị kỷ luật. Do đó bị cáo trình các hồ sơ theo đúng thủ tục, không kéo dài, không om hồ sơ của các doanh nghiệp”, Kiên giải bày.
Khẳng định có nhận tiền nhiều lần theo nội dung cáo trạng, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng hoàn toàn không yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền, không quy định mức tiền doanh nghiệp phải đưa. Tất cả đều là do các doanh nghiệp chủ động đều xuất.
“Các doanh nghiệp đều chủ động đến gặp, đều chủ động đưa tiền và khi đó đều là lúc Bộ Y tế đều đã có văn bản chấp thuận và các chuyến bay đã được thực hiện một cách bình thường, không gặp bất kỳ trở ngại nào”, Kiên nói.
Về số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ, Kiên cho biết đã cho người thân vay và đầu tư đất đai.
“Bị cáo cho ông chú họ ở quê Thái Bình vay, đầu tư một số mảnh đất ở Ba Vì, Mũi Né và huyện Hoài Đức (Tp. Hà Nội ). Ngoài ra bị cáo không đưa tiền cho ai khác”, Kiên khai đồng thời cho biết không bị ai tác động để khai báo.
Nhận thức hành động nhận tiền là sai phạm, Kiên đã chủ động trả lại cho các đại diện doanh nghiệp 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình Kiên đã nộp 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Doanh nghiệp nói về barem nhận hối lộ của Phạm Trung Kiên
Do lời khai của Kiên có nhiều sai lệch so với lời khai của các bị cáo khác, HĐXX đã tiến hành đối chất với bị cáo Đào Minh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasung, Lê Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Vũ Minh Thắng – Giám đốc Công ty Thuận An.
Đào Minh Dương cho biết, đầu tháng 9/2021, Dương đi cùng Lê Hồng Sơn đến Bộ Y tế để gặp Kiên.
“Tại phòng làm việc của Kiên, Kiên quát anh Lê Hồng Sơn: Tôi lạ gì các anh, các anh phải nộp mấy triệu một khách thì mới được. Anh Sơn mới giải thích: Nếu nộp mấy triệu một khách thì chi phí ngoài cho một chuyến bay lên đến 10 tỷ một chuyến, ai mà chịu nổi.
Khi đó Kiên hạ giọng: Tôi biết các anh đã đưa cho anh Tuấn (Vũ Anh Tuấn – Phó Phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh) 150 triệu, các anh cũng phải đưa như thế cho tôi, nếu không thì không được cấp phép chuyến bay”, Dương khai nhận.
Bị cáo Lê Hồng Sơn cũng cho biết: “Khi tôi xin với Kiên: Chỗ anh làm nhiều chuyến bay nên xin xuống còn 100 triệu đồng/1 chuyến. Kiên bảo: Không được, cái này đã có barem rồi”.
Bị cáo Vũ Minh Thắng cũng đồng tình với lời khai của Dương và Sơn, cho biết Kiên yêu cầu phải chi 15 triệu đồng/ 1 khách lẻ về nước và 150 triệu đồng/1 chuyến bay.
Nghe rõ lời của các bị cáo khác khi đối chất nhưng Phạm Trung Kiên vẫn khẳng định của các bị cáo đó khai không đúng sự thật .