Nhãn hàng từ Unilever Việt Nam nỗ lực cắt giảm khí nhà kính
Công nghiệp sản xuất các sản phẩm vệ sinh, giặt giũ đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch – nguồn phát thải khí nhà kính.
Vì vậy, Unilever Việt Nam cho ra mắt chương trình "Tương lai xanh" nhằm vạch ra những cách thức cụ thể giúp cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu thông qua tái tạo công thức và bao bì sản phẩm Chăm sóc Gia đình.
Chương trình "Tương lai xanh" đang tái tạo những thành phần hóa học từ nhiên liệu hóa thạch trong công thức sản phẩm sang các thành phần có khả năng phân hủy sinh học, không chỉ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, chương trình cũng đang "thay áo mới" cho bao bì sản phẩm để hướng đến mục tiêu sử dụng ít nhựa hơn và sử dụng những loại nhựa tốt hơn có khả năng tái sinh.
Cụ thể, "Tương lai xanh" sẽ góp phần cắt giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính bằng những cách thức cụ thể và thực tiễn.
Đầu tiên, các nhãn hàng Chăm sóc Gia đình từ Unilever Việt Nam sẽ loại bỏ 100% nguồn nguyên liệu từ carbon hóa thạch không thân thiện môi trường, thay vào đó sử dụng carbon tái tạo và tái chế trong các công thức sản phẩm. Điều này giúp cắt giảm việc khai thác nhiên liệu hóa thạch – nguồn gây ra phát thải khí carbon trong khí quyển. Thêm vào đó, việc chuyển đổi sang công thức có nguồn gốc từ thiên nhiên, dễ phân hủy sinh học giúp mềm mại da và tốt hơn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Tiếp đến, chương trình hướng đến việc sử dụng các hóa chất có trọng lượng nhẹ hơn, nhờ đó cắt giảm đáng kể các thành phần công thức sản phẩm gây phát thải khí nhà kính nhưng vẫn mang lại hiệu quả sản phẩm tương tự với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Đồng thời, sáng kiến này cũng sẽ giúp quá trình vận chuyển sản phẩm hiệu quả hơn, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, chương trình "Tương lai xanh" còn thúc đẩy việc nén và cô đặc sản phẩm. Sáng kiến này sẽ giúp cải tiến nước giặt và nước xả vải siêu đậm đặc, từ đó thời gian sử dụng hết sản phẩm chứa trong một chai đựng sẽ dài hơn. Việc nén và cô đặc sản phẩm còn cho phép tạo ra các sản phẩm có thể pha loãng, điều này đồng nghĩa sản phẩm sẽ được chứa trong chai có thể tích nhỏ hơn, và khi sử dụng người tiêu dùng có thể tái sử dụng chai rỗng cũ để pha loãng sản phẩm, góp phần giảm lượng nhựa trong sản xuất bao bì.
Phát triển bao bì bền vững cũng là một hoạt động quan trọng góp phần giảm thiểu phát thải CO2 từ sản phẩm Chăm sóc Gia đình. Cụ thể, "Tương lai xanh" cam kết giảm lượng nhựa nguyên sinh và sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất bao bì: đến năm 2025, 100% bao bì của sản phẩm Chăm sóc Gia đình đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, và hơn 25% bao bì sử dụng nhựa tái chế.
Bên cạnh mục tiêu tạo ra các sản phẩm hiệu suất cao và tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, chương trình "Tương lai xanh" còn góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) về sức khỏe và xây dựng cuộc sống tốt (SDG 3), nguồn nước sạch và vệ sinh (SDG 6), công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng (SDG 9), xây dựng thành phố và cộng đồng bền vững (SDG 11), hành động vì khí hậu (SDG 13), tài nguyên và môi trường biển (SDG 14), và tài nguyên và môi trường trên đất liền (SDG 15).